Được phát triển bởi Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông

Khu lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám

phongvh_tanyen@bacgiang.gov.vn
0204 3878355

Dịch vụ

Mô tả

Làng Trũng, thuộc xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên là một làng cổ gắn liền với biết bao kỷ niệm về người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám từ thời niên thiếu đến khi trưởng thành. Nơi đây, xưa kia từng là nơi đánh trận giả chơi trốn tìm của Hoàng Hoa Thám, nay lại là nơi tôn thờ, tưởng niệm ông- người có công lớn với quê hương Bắc Giang, với đất nước Việt Nam. Mỗi khi nói đến làng Trũng, người ta thường nhắc đến khu di tích lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám. Khu di tích cách thành phố Bắc Giang khoảng 20km về phía tây-bắc. Đây là quần thể di tích bao gồm các công trình như: đình, đền, chùa, điếm, nơi ở và khu mộ thân tộc Hoàng Hoa Thám.

Đình Trũng:

Theo truyền miệng của các cụ địa phương được biết: Đình Trũng khi xưa được cụ Hoàng Hoa Thám xây dựng ban đầu ở Tân Châu (Trũng Ngoài). Sau đó cụ Thống Luận đã di chuyển đình về Trũng Trong, liền kề phía trước chùa Trũng. Đình xưa bao gồm  toà tiền đình ba gian nối với hậu cung một gian tạo thành bố cục hình chữ đinh (J). Đình Trũng xưa có 2 đạo sắc do các đời vua nhà Nguyễn phong cho Thành hoàng làng là Cao Sơn và Quý Minh Đại Vương. Sau khi Hoàng Hoa Thám mất, để tỏ lòng thành kính và trân trọng đối với người anh hùng dân tộc, nhân dân địa phương đã tôn thờ ông ở trong đình cùng với Thành hoàng làng. Trải qua thời gian và chiến tranh, đình Trũng bị xuống cấp hư hỏng nặng. Nay chỉ còn nền móng ở phía trước chùa Trũng.

Đền thờ Hoàng Hoa Thám:

Sau khi Hoàng Hoa Thám bị sát hại, để tỏ lòng biết ơn và thành kính đối với vị tướng tài ba, nhân dân làng Trũng đã xây dựng ngôi đền làm nơi tưởng niệm, ở gần kề bên khu di tích đình, chùa làng Trũng. Từ khi xây dựng cho tới nay, đền thờ được nhân dân thường xuyên quan tâm, tu sửa, mua sắm các đồ thờ, tạc tượng Đề Thám… để lưu truyền hậu thế.

Đền thờ Hoàng Hoa Thám hiện nay ở phía trước khu di tích đình, chùa Trũng, ngoảnh nhìn hướng Đông Nam. Đền thờ Hoàng Hoa Thám gồm ba gian theo bố cục hình chữ nhất. Bên trong gian chính giữa bài trí một pho tượng Hoàng Hoa Thám được đúc bằng đồng cao 150cm, bên tường hồi trái treo một bức tranh của gia đình cụ Đề Thám và các con tại đồn Phồn Xương. Trong đền hiện nay có hai cặp câu đối bằng chữ Nôm với nội dung như sau:

Sấm dậy Phồn Xương chí lớn anh hùng vang bốn biển

Mây trùm Yên Thế khí thiêng sông núi khắc ngàn thu.

Bài vị có nội dung:

Hoàng Hoa Thám đại tướng quân chi linh vị.

Theo các nguồn tư liệu lịch sử cho biết: Hoàng Hoa Thám hay còn có tên gọi là Đề Thám. Cha là Trương Văn Thân, quê gốc ở làng Dị Chế, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ông sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho có truyền thống thượng võ và yêu nước. Cả cha và mẹ đều tham gia vào cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình nhà Nguyễn nên bị nhà Nguyễn sát hại. Lúc này, ông cải họ là họ Đoàn, tên Nghĩa và được ông chú nuôi dưỡng đem đi trốn khỏi sự truy lùng của triều đình và cải tên là Thiện. Quanh quẩn ở vùng Sơn Tây sợ không thoát được nên chú cõng cháu chạy về làng Trũng, xã Ngọc Châu, phủ Yên Thế ở. Một lần nữa cải họ là họ Hoàng và đặt tên mình là Quát, tên cháu là Thám.

Từ đó dân làng Trũng vẫn cho là hai bố con chứ không ai biết đó là hai chú cháu. Vì nhà nghèo nên ông Quát phải cho cháu vào làm con nuôi nhà ông Lý trong làng, còn mình làm nghề thợ thêu kiếm sống. Mặc dù vậy nhưng quãng đời niên thiếu cho đến khi trưởng thành, Hoàng Hoa Thám đã gắn liền với những kỷ niệm của làng Trũng và vùng Yên Thế. Sinh ra trong bối cảnh đất nước bị giặc ngoại xâm, sống trong một địa phương có nhiều thủ lĩnh nổi lên chống giặc và đóng giữ những nơi hiểm yếu đã ảnh hưởng không ít đến cuộc đời của Hoàng Hoa Thám. Chính vì thế mà dân trong vùng Yên Thế cho đến nay vẫn còn nhớ và kể khá rõ từng mẩu chuyện về thời niên thiếu cũng như lúc trưởng thành của Hoàng Hoa Thám.

Chùa Trũng:

Chùa Trũng xưa được xây dựng ở trên cùng dải đất với đình, theo lối tiền Thần, hậu Phật. Trải qua thời gian, chùa Trũng đã qua nhiều lần tu sửa ngày càng khang trang, tố hảo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tôn giáo của nhân dân địa phương. Sau khi cụ Đề Thám mất, do đình Trũng bị hư hỏng, lại chưa có đền thờ nên nhân dân địa phương đã đưa ông vào thờ trong chùa.

Chùa Trũng ngoảnh nhìn hướng đông-nam. Nhìn bao quát bên ngoài, đây là một ngôi chùa có quy mô vừa phải, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên và các công trình liền kề. Chùa hiện nay bao gồm tòa tiền đường một gian, hai chái nối với toà thượng điện một gian tạo thành bình đồ kiến trúc hình chữ đinh (J). Bên trong chùa được bài trí các pho tượng Phật và một số đồ thờ tự khác như bát hương, mõ gỗ, đèn nến, chuông đồng…

Điếm Trũng:

Theo các cụ cao niên ở địa phương cho biết: Điếm Trũng xưa được làm khá đồ sộ, có sàn, cột bằng gỗ lim. Lúc còn nhỏ, Hoàng Hoa Thám cùng một số trẻ chăn trâu trong làng thường ra điếm làng chơi đánh xu, đánh đáo, chơi trò đánh trận giả. Lớn lên, Đề Thám và Đại Trận trở thành hai vị tướng giỏi, có mối quan hệ qua lại mật thiết để bàn kế tìm đường cứu nước. Sau khi Đại Trận và Hoàng Hoa Thám mất, nhân dân làng Trũng thờ hai ông ở điếm làng. Nay, nhân dân địa phương đã cho tạc hai chân dung của hai vị tướng, bên trái thờ tướng Đại Trận, bên phải thờ Hoàng Hoa Thám. Hàng tháng vào ngày rằm, mồng một, nhân dân địa phương vẫn ra điếm thắp hương tưởng nhớ công ơn của hai vị tướng tài giỏi năm xưa. Vào ngày hội đền Trũng mồng 5 tháng Giêng âm lịch, điếm Trũng được mở cửa để nhân dân bốn phương về đây thắp hương tưởng niệm.

Nơi ở của Hoàng Hoa Thám thời niên thiếu:

Ông Thân Văn Thức (chắt ngoại Hoàng Hoa Thám) cho biết: Đây là mảnh đất Hoàng Hoa Thám đã sống từ khi còn nhỏ 5- 6 tuổi cho đến 17-18 tuổi. Sau khi phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế thất bại, cụ Hoàng Hoa Phồn (con trai Hoàng Hoa Thám) về ở nhà của Hoàng Hoa Thám năm xưa. Sau cụ Phồn mất, mảnh đất này không có ai sinh sống. Trải qua thời gian và chiến tranh bom đạn, nhà ở của Hoàng Hoa Thám năm xưa nay chỉ còn nền móng. Sau các con cháu trong dòng tộc đã cho xây tường bao quanh mảnh đất ấy làm nơi tưởng niệm.

Năm 1984, chính quyền địa phương đã xây dựng giữa mảnh đất một tấm bia lưu niệm với dòng chữ: “Nơi đây Hoàng Hoa Thám, lãnh tụ phong trào khởi nghĩa Yên Thế đã sống thời niên thiếu”.

Khu mộ của thân tộc Hoàng Hoa Thám:

Cùng với việc xây dựng đền thờ Hoàng Hoa Thám, tu bổ các công trình tín ngưỡng, tôn giáo trong làng Trũng, việc quy tập các thân nhân của Hoàng Hoa Thám về đặt trong khu đất bên trái phía trước chùa làng Trũng cũng đã được tiến hành. Khu mộ gồm có 7 ngôi:

- Mộ cụ Nguyễn Thị Tảo, vợ cả danh nhân Hoàng Hoa Thám.

- Mộ cụ bà Đặng Thị Nho tự Ba Cẩn, vợ ba danh nhân Hoàng Hoa Thám mất năm 1913.

- Mộ ông Hoàng Hoa Trọng (1877-1909), con cả cụ Hoàng Hoa Thám.

- Mộ bà Trần Thị Hoan, vợ cả Hoàng Hoa Trọng.

- Mộ ông Hoàng Hoa Phồn (1907-1945), con trai danh nhân Hoàng Hoa Thám.

- Mộ bà Hoàng Thị Lịch, con gái ông Cả Trọng mất ngày 22/5/1932.

- Mộ bà Thân Thị Huệ hiệu Diệu Lan, sinh năm 1911, mất ngày 5/4/2001.

Trong từng hạng mục trên, các đối tượng tôn thờ tuy có khác nhau, các hạng mục tuy có niên đại ra đời, phát triển khác nhau nhưng tất cả các công trình đó cho tới nay đều lấy mục đích tôn thờ, lưu niệm về danh nhân Hoàng Hoa Thám là chính. Giá trị lưu niệm ở khu di tích này đã làm cho tên tuổi và hình ảnh người anh hùng dân tộc áo vải Hoàng Hoa Thám còn đọng mãi trong lòng người dân Bắc Giang, góp phần cho trang sử dân tộc thêm vẻ vang, rạng ngời. Sự thật tiếng vang về người anh hùng ấy ngày nay vẫn truyền tụng trong nhân gian:

"Ba mươi năm khắp núi rừng
Danh ông Đề Thám vang lừng trời Nam”...

Khi Hoàng Hoa Thám mất, nhà yêu nước Phan Bội Châu đã khóc viếng ông bằng bài thơ “Khóc chân tướng quân”. Bác Hồ kính yêu đã gọi ông là bậc Anh hùng dân tộc. Đề Thám với tài năng và lòng dũng cảm kiên cường, ông đã sống mãi trong lòng người dân Việt Nam. Làng Trũng vinh dự và tự hào là nơi đã gắn bó với tuổi thơ cùng những câu chuyện về thời niên thiếu cũng như lúc trưởng thành của cụ Đề. Ngày nay, nhân dân làng Trũng vẫn thường xuyên tu bổ, tôn tạo các công trình tín ngưỡng, tôn giáo của làng mình ngày càng khang trang, tố hảo, để hàng tháng đôi tuần sóc, vọng thắp hương tưởng niệm người Anh hùng dân tộc.

Hằng năm hội lệ khu di tích được tổ chức chung vào mồng 5 tháng Giêng âm lịch. Đồ lễ cúng gồm có hương đăng, hoa quả, xôi, gà, rượu, chè…Hội tuy không có nghi lễ rước nhưng ai cũng thấy vui vẻ, trang nghiêm.

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, khu di tích lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám là một trong 23 điểm di tích được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

 

Những điểm lân cận

Bản đồ