Được phát triển bởi Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông

I. Giới thiệu

        Bắc Giang là vùng đất cổ, có lịch sử lâu đời, được coi là “phên dậu”, là “tứ trấn” của kinh thành Thăng Long, với vị trí thuận lợi Bắc Giang được coi là cửa ngõ ra vào của vùng Đông Bắc. Bắc Giang xưa gắn liền với không gian văn hóa Kinh Bắc xưa, dấu ấn của văn hóa truyền thống còn in đậm trong những cộng đồng làng xã thôn quê của Bắc Giang. Những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vẫn được gìn giữ qua bao đời nay đã trở thành một kho tàng quý báu để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa. Trong đó có những di sản đã được UNESCO công nhận như Quan họ là di sản văn hóa phi vật thể dại diện của nhân loại, Ca trù là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản ký ức thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại chùa Vĩnh Nghiêm. Hiện nay toàn tỉnh có hơn 2.500 di tích, trong đó có 05 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 3 bảo vật Quốc gia, 12 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Giá trị tâm linh, văn hóa hiện hữu trong những đình, chùa Bổ Đà, làng cổ Thổ Hà (huyện Việt Yên), đình, chùa Tiên Lục và cây dã hương nghìn năm tuổi (huyện Lạng Giang)… thu hút du khách.

Khu du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử

Quan họ Bắc Giang

II. Vị trí địa lý

        Bắc Giang là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, phía đông giáp tỉnh Quảng Ninh, phía bắc giáp tỉnh Lạng Sơn, phía tây giáp tỉnh Thái Nguyên và thủ đô Hà Nội, phía nam giáp tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hải Dương. Bắc Giang có diện tích 3.895,5 km2, dân số trên 1,8  triệu người, gồm 10 huyện, thành phố: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng và thành phố Bắc Giang. Toàn tỉnh có 21 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có 8 dân tộc chủ yếu là: Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chí, Sán Dìu, Dao, Hoa. Mỗi một dân tộc đều có những nét đặc trưng văn hóa riêng tạo nên một Bắc Giang đa sắc màu văn hóa.

Bản đồ hành chính Bắc Giang

III. Tiềm năng du lịch

        Đến Bắc Giang vào mùa lễ hội, nhất là hội Xuân sẽ thấy không gian văn hóa đa sắc màu với sự tham gia của nhiều cộng đồng dân tộc. Hằng năm Bắc Giang có trên 500 lễ hội truyền thống được tổ chức trong đó có 7 lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, bao gồm: lễ hội Yên Thế, lễ hội Vĩnh Nghiêm, lễ hội Thổ Hà, lễ hội Bổ Đà, lễ hội Suối Mỡ, lễ hội Y Sơn và lễ hội Đình Vồng. Ngoài ra, có những lễ hội dân gian, truyền thống trong làng xã, có thể là hội chùa, hội đình, hội đền của nhân dân trong vùng gắn với các di tích lịch sử, văn hóa như hội chùa Vĩnh Nghiêm, hội chùa Bổ Đà, hội Thổ Hà, hội chùa Kế, hội đền Y Sơn… Ngoài ra tại các huyện Sơn Động. Lục Ngạn có đồng bào dân tộc Tày, Cao Lan, Sán Chí có tổ chức các hội hát sli, lượn, sình ca..cùng những phiên chợ tình, chợ vùng cao độc đáo thu hút đông đảo du khách tới tham dự.

        Bắc Giang còn được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú, với những cánh rừng nguyên sinh cùng hệ động thực vật phong phú được bảo tồn. Ngoài hồ Khuôn Thần, du khách đến Bắc Giang có rất nhiều lựa chọn để khám phá cảnh quan thiên nhiên như khu thắng cảnh Suối Mỡ, hồ Cấm Sơn, rừng nguyên sinh Khe Rỗ, thác Ba Tia, suối Nước Vàng, khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, Đồng Cao, hồ Khe Chão, thắng cảnh Vực Rêu... Nhiều suối thác tự nhiên, triền đồi bạt ngàn lau trắng… đã được ngành Du lịch Bắc Giang quy hoạch nằm trong tuyến điểm để khai thác như tuyến Đồng Thông - Chùa Đồng (Yên Tử), tuyến du lịch thăm thác Ba Tia, tuyến du lịch làng Biểng - Vũng Tròn - Khe Rỗ, tuyến Nước Vàng - Thác Giót…

        Cảnh quan hoang sơ, khí hậu quanh năm ôn hòa, cùng với cuộc sống bình dị của vùng sơn cước đã khiến những nơi này trở thành điểm dã ngoại cuối tuần, trải nghiệm của du khách, nhất là giới trẻ. Thiên nhiên còn ưu đãi cho mảnh đất này nhiều đặc sản độc đáo, gắn liền với những làng nghề truyền thống, sản phẩm nông lâm sản đặc trưng như: làng gốm và làm bánh đa nem Thổ Hà, rượu làng Vân, bánh đa Kế, mây tre đan Tăng Tiến, Mỳ Chũ, vùng cây ăn quả Lục Ngạn mà nổi tiếng là Vải thiều được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Đó là những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của miền đát Bắc Giang, tạo điều kiện thuận lợi để Bắc Giang phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, hoạt động thể thao leo núi, bơi thuyền, cắm trại, khám phá thiên nhiên…

        Hòa chung với chương trình phát triển du lịch của cả nước năm 2018 tỉnh Bắc Giang đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch, thu hút 16 dự án của các doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư gần 35,3 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt  nhằm tạo bước đột phá để phát triển du lịch Bắc Giang năm 2021  Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 112-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ về phát triển  du lịch giai đoạn 2021-2025 định hướng 2030. Đồng thời  Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đã ban hành kế hoạch số 298/KH-UBND ngày 28/6/2021 về việc Thực hiện Nghị quyết số 112-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đến ngày 16/8/2021 Ủy ban nhân tỉnh Bắc Giang tiếp tục ban hành kế hoạch số 4144/KH-UBND về việc Tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025.  Trong thời gian qua tỉnh luôn quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông; tăng khả năng kết nối với các điểm du lịch trong tỉnh và vùng trọng điểm ngoài tỉnh. Tỉnh cũng nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư; mở rộng không gian, tôn tạo cảnh quan, phát huy giá trị của các di tích lịch sử quốc gia đặc biệt; thu hút, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước mở các tour du lịch đến Bắc Giang. Đây là điều kiện thuận lợi, tạo thêm động lực cho tỉnh bứt phá trong phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

        Hiện nay, Bắc Giang đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, chú trọng tập trung phát triển, du lịch, dịch vụ; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh, quan tâm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa…góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân, đưa Bắc Giang trở thành một tỉnh phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, đồng thời qua đó nâng cao vị thế và vai trò của du lịch Bắc Giang trong khu vực và cả nước.

Bản đồ du lịch Bắc Giang