Được phát triển bởi Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông

Giải pháp quảng bá, xúc tiến du lịch cho các điểm du lịch làng văn hóa tỉnh Bắc Giang

20/12/2024 433 0

Bắc Giang có vốn nguồn tài nguyên du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng, hội tụ được nhiều yếu tố quan trọng để hình thành các loại hình, các sản phẩm du lịch văn hóa thế mạnh, đặc thù. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn hai nghìn di tích lịch sử văn hóa, trong đó 116 di tích được xếp hạng quốc gia, cùng nhiều loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu được đông đảo du khách biết đến.

Hiện nay, Bắc Giang có 20 khu, điểm du lịch hấp dẫn, tiêu biểu như Địa điểm chiến thắng Xương Giang; Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám; Chùa Vĩnh Nghiêm; Chùa Bổ Đà; Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ; Điểm du lịch sinh thái Bầu Tiên…Đặc biệt, Bắc Giang có 03 di sản văn hóa thế giới gồm: dân ca quan họ, ca trù và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO công nhận là di sản tư liệu Ký ức thế giới khu vực châu Á Thái Bình Dương và 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bắc Giang cũng nổi tiếng với những lễ hội dân gian truyền thống với 500 lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm.

Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm 

Trên địa bàn tỉnh có gần 70 làng nghề. Các làng nghề truyền thống của tỉnh sở hữu bề dày lịch sử-văn hóa, có truyền thống lịch sử hàng trăm năm, hội tụ đầy đủ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, mang đậm "hơi thở" quê hương gắn với đời sống cộng đồng dân cư. Trải qua nhiều thăng trầm, biến chuyển, nhưng nét đẹp không gian văn hóa trong các làng nghề truyền thống vẫn được các thế hệ người dân gìn giữ, phát huy trong đời sống hôm nay. Nổi bật như: Làng nghề truyền thống mỳ Chũ (Lục Ngạn); bánh đa Kế (Bắc Giang); Rượu làng Vân (Việt Yên)…Thông qua việc gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống vừa lưu giữ, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, vừa là những cơ sở kinh tế quan trọng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. 

Xác định khai thác nét văn hóa truyền thống là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển du lịch, những năm qua, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tích cực đầu tư bảo tồn những loại hình văn hóa đặc trưng của tỉnh. Nhiều di tích trọng điểm trên địa bàn được quan tâm tu bổ, tôn tạo như đình Thổ Hà, chùa Bổ Đà (Việt Yên); hệ thống lăng đá cổ, đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa); đình Phù Lão (Lạng Giang); khu di tích khởi nghĩa Yên Thế; chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng)… các lễ hội truyền thống được bảo tồn, phục dựng như lễ hội Yên Thế, Xương Giang, vật cầu bùn làng Vân (Việt Yên); các mô hình truyền dạy hát dân ca quan họ, ca trù và dân ca các dân tộc thiểu số ngày càng được nhân rộng tại các địa phương… Qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tìm hiểu về văn hóa địa phương của khách tham quan, đồng thời phát huy giá trị di sản.

Du khách tham quan, khảo sát tại khu du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử

Trong những năm gần đây, ở Bắc Giang các điểm du lịch làng văn hóa đã thu hút được lượng khách du lịch tương đối lớn tại địa bàn các huyện như Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế. Nhiều điểm du lịch đã nhanh chóng trở thành điểm đến yêu thích của du khách như:  Bắc Hoa (Lục Ngạn), khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động), điểm du lịch cộng đồng bản Ven (Yên Thế)... Có thể khẳng định rằng, phát triển du lịch biến những lợi thế đặc trưng của cộng đồng các dân tộc tạo ra sản phẩm hấp dẫn khách du lịch, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. 

Tuy nhiên, phát triển các điểm du lịch làng văn hóa ở Bắc Giang còn có một số khó khăn, thách thức như: Hệ thống đường giao thông kết nối các làng, bản, điểm đến du lịch còn nhiều khó khăn và thiếu đồng bộ; hệ thống cung cấp nước sạch, khu xử lý rác thải, nước thải chưa được đầu tư đúng mức; hạ tầng viễn thông liên lạc chất lượng thấp chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng chưa cao, đặc biệt công tác tuyên truyền, quảng bá chưa được quan tâm.

Một số hoạt động văn nghệ của đồng bào dân tộc Cao Lan - Sán Chí huyện Sơn Động tại Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI tại tỉnh Lạng Sơn năm 2024

Để nâng cao hiệu quả trong công tác thông tin, xúc tiến, tuyên truyền quảng bá tại các điểm du lịch làng văn hóa tại Bắc Giang, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, tập trung tuyên truyền quảng bá các điểm du lịch làng văn hóa bằng hình thức quảng bá E-maketing (quảng cáo qua Internet) thông qua các kênh như Website, Facebook, YouTube, Twitter, Instagram để tiết kiệm chi phí quảng bá. Tổ chức tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp, du khách qua email, điện thoại, các trang mạng xã hội.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch cộng đồng tới các thị trường khách quốc tế, nội địa để thu hút khách du lịch đến tỉnh Bắc Giang. Thường xuyên mời các đoàn Famtrip, Press trip đến khảo sát, xây dựng sản phẩm và quảng bá cho du lịch làng văn hóa Bắc Giang. Xây dựng các ấn phẩm, clip để giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện truyền thông. Xây dựng trang thông tin điện tử, video clip, sách ảnh, tờ gấp, giới thiệu về các điểm tour du lịch làng văn hóa; tổ chức các đoàn Presstrip đến để viết bài, quay phim giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch làng văn hóa cho du khách trong nước và quốc tế.

Thứ ba, xây dựng các chương trình du lịch mới gắn kết giữa trải nghiệm văn hóa bản địa với hoạt động nông nghiệp tạo thành các tour, tuyến cho khách du lịch được khám phá, trải nghiệm tại địa phương. Xây dựng các điểm du lịch làng văn hóa có những sản phẩm mang bản sắc riêng biệt không bị trùng lắp cho du khách đến khám phá, trải nghiệm. 

Thứ tư, tăng cường tuyên truyền, giáo dục vận động người dân, khách du lịch nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương; nâng cao nhận thức trong cộng đồng về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; tiếp tục duy trì, bảo tồn, tổ chức các lễ hội truyền thống và phát huy các giá trị văn hoá để phát triển du lịch tại điểm làng văn hóa.

Thứ năm, thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực đến nghiên cứu, khảo sát đầu tư các điểm du lịch làng văn hóa có tiềm năng trên địa bàn tỉnh.

Thứ sáu, tổ chức các hoạt động khảo sát một số điểm du lịch trong và ngoài tỉnh cho một số doanh nghiệp lữ hành, các đoàn phóng viên báo chí viết bài tuyên truyền, quảng bá du lịch các điểm du lịch làng văn hóa.

Thứ bảy, tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên sâu về xúc tiến, quảng bá du lịch, Marketing du lịch cho cán bộ quản lý và người dân nơi có điều kiện phát triển du lịch, thông qua việc mở các lớp bồi dưỡng hoặc cử cán bộ đi học các lớp đào tạo về nghiệp vụ marketing du lịch, ứng dụng công nghệ trong xúc tiến, giới thiệu thị trường và nghiên cứu thị trường.

Thứ tám, xây dựng, khai thác các tour du lịch kết nối các làng văn hóa du lịch ở Bắc Giang. Liên kết với các tỉnh khác để tạo thành các tour du lịch kết hợp nhiều điểm du lịch, thu hút du khách đến từ các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Hy vọng, với việc triển khai đồng bộ những nhiệm vụ và giải pháp nêu trên, hoạt động du lịch tại các điểm làng văn hóa nói riêng và du lịch Bắc Giang nói chung sẽ cất cánh, ngày càng phát triển; góp phần xóa đói giảm nghèo, mang lại thu nhập cho người dân địa phương./.

Nguyễn Thúy

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu