Được phát triển bởi Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông

RỰC RỠ SẮC ÁO NGƯỜI DAO LÔ GANG, TỈNH BẮC GIANG

15/11/2024 186 0

Cùng với các dân tộc anh em khác, người Dao tỉnh Bắc Giang gồm 3 nhóm chính: Dao Lô Gang, Dao Thanh Phán và Dao Thanh Y tập trung ở các huyện vùng cao Yên Thế, Lục Ngạn và Sơn Động. Ấn tượng đầu tiên khi tìm hiểu về bản sắc văn hoá dân tộc Dao nơi đây cũng là yếu tố tạo nên sự khác biệt với các dân tộc khác trong tỉnh chính là bộ trang phục truyền thống với màu sắc sặc sỡ và độc đáo của đồng bào. Để phân biệt các nhóm Dao người ta chủ yếu dựa trên sự khác nhau trong bộ trang phục của người phụ nữ. Đối với nhóm Dao Lô Gang, màu sắc sặc sỡ và kỹ năng thêu thùa khéo léo, tỷ mỷ tạo nên sự khác biệt trong trang phục, thể hiện giá trị thẩm mỹ cao và thế giới quan sâu sắc của đồng bào.

Đồng bào Dao trước kia thường tự dệt vải và may thành quần áo mặc. Khác với các dân tộc thiểu số trong khu vực, bộ trang phục truyền thống của người Dao nổi bật với màu sắc tươi sáng, sặc sỡ và các đường nét hoa văn tinh xảo được làm nên bởi chính những người phụ nữ nơi đây. Việc trang trí hoa văn phong phú về thể loại, màu sắc được đồng bào bảo lưu gắn với ý niệm về thuỷ tổ xa xưa của họ. Đó là Bàn Hồ - một long khuyển cao lớn, mình dài ba thước, lông đen vằn vàng từ trên trời giáng xuống trần gian được nhà vua Bình Hoàng yêu quý nuôi trong cung. đã có công giết giặc, được vua ban sắc thành Bàn Vương, gả cung nữ và sau này sinh con đẻ cái, phân tán con cháu đi vào các vùng núi khác nhau sinh sống và phát triển thành các nhóm dân tộc Dao như ngày nay. Người Dao thừa nhận nhân vật huyền thoại này là ông tổ của mình và thờ cúng tôn nghiêm. Cũng khởi nguồn từ ý niệm đó mà các bộ trang phục của người Dao thường nhiều màu sắc và được thêu thùa khá tỉ mỉ, vừa có nét duyên dáng nhưng vẫn in đậm màu sắc của thế giới tâm linh.

Câu lạc bộ thêu xã Tuấn Đạo

Nhìn chung ở các nhóm Dao, phụ nữ thường mặc áo dài. Áo của phụ nữ Dao Lô Gang được thêu thùa khá đẹp và cầu kỳ. Thân áo dài qua đầu gối, xẻ tà từ gấu áo lên tới nách, nẹp cổ rộng trên đó thêu hoa văn hình thoi liên tục, xung quanh là hình hoa văn sóng nước, hình hoa và cây cối. Đồng bào trang trí trên áo theo kiểu thêu từng miếng vải riêng rồi đính ghép lại thành chiếc áo hoàn chỉnh. Phía dưới gấu áo được đính những miếng vải thêu rộng. Hoạ tiết trang trí trên áo là những hình hoa văn, cây thông, hình thoi, hình sóng nước bằng chỉ trắng, vàng, đỏ. Ống tay hẹp thêu chỉ nhiều màu sắc. Sau lưng áo đồng bào cũng thêu những mảng hoa văn trang trí với những hình tượng chim thú, hoa lá, sóng nước cách điệu. Khi mặc, đồng bào thường mặc kèm yếm bên trong và thắt lưng bên ngoài bằng vải thô màu trắng, đầu đội mũ. Yếm của phụ nữ Dao Lô Gang cũng được thêu thùa khá đẹp mắt. Phía giữa yếm đính 8 ngôi sao bằng bạc chia làm ba hàng, phía dưới đính hai dây để buộc ra phía sau. Thắt lưng được làm bằng vải diềm bâu màu trắng, không nhuộm chàm. Phía trên thắt lưng cũng thêu thùa các hình hoa lá, chim thú cách điệu. So với áo, quần của phụ nữ Dao được thêu đơn giản hơn. Dưới gấu quần, đồng bào thêu thùa trang trí từ 6 đến 7 hàng hoa văn. Mũ cao của phụ nữ Dao Lô Gang có hình lục giác, được ghép bởi các miếng vải đỏ và dầy, phía ngoài mũ đồng bào thắt khăn vuông. Tất cả các chi tiết trên trang phục của phụ nữ Dao nơi đây đều được thêu tỉ mỉ và sặc sỡ.

Phụ nữ Dao Gô Lang thôn Na Lang , Phong Minh Lục Ngạn gìn giữ nghề thêu truyền thống 

Trang phục nam giới cũng được thêu thùa, trang trí cầu kỳ hơn so với các dân tộc khác. Nam giới mặc áo bốn thân. Thân áo phía trước có 4 túi nhỏ, hai túi trên và hai túi dưới, ống tay thẳng. Áo có nẹp ngực to, đính nhiều khuy tết bằng vải hoặc khuy đồng, cổ thấp, trên đó cũng được trang trí bởi các mảng hoa văn bằng chỉ màu và tua sợi. Phía sau áo là ba mảng hoa văn ghép lại. Quần nam giới người Dao Lô Gang trước kia là loại quần cắt kiểu chân què. Đồng bào thường mua vải ở chợ về rồi cắt may thành quần để mặc. Ngày nay, đồng bào mặc quần vải như người Kinh.

Trang phục cô dâu người Dao Lô Gang 

Trong ngày cưới, cô dâu người Dao Lô Gang nổi bật với  với bộ trang phục mới, đội một chiếc mũ cưới mới và phủ trên đầu một chiếc khăn được thêu thùa đính nhiều tua chỉ màu, hạt ngọc trang trí sặc sỡ và những đường thêu tinh xảo. Trang phục chú rể cũng được thêu hoa văn trang trí từ dọc cổ áo xuống tới gấu áo, hoa văn ở cổ tay và phía sau lưng. Ngày cưới, chú rể đội một chiếc mũ tròn phía trên gắn một tấm vải hình tam giác được thêu tỉ mỉ.

Từ xa xưa, con gái người Dao trước khi đi lấy chồng ai cũng phải biết thêu thùa. Từ khi được hơn mười tuổi, các bé gái người Dao đã học cách cầm kim, theo các bà, các mẹ của mình học thêu. Các cô gái sau đó tự tay thêu cho mình một bộ trang phục thật đẹp để mặc trong ngày cưới, trong những dịp lễ hội, hay khi người chồng của mình được cấp sắc. Để làm một sản phẩm có hoa văn tươi tắn và tinh xảo đòi hỏi sự khéo léo và kiên trì của người phụ nữ và từ đó có thể đánh giá một người con gái có khéo léo, đảm đang hay không, chỉ cần nhìn vào đường kim mũi chỉ trên trang phục là có thể nhận biết được.

Phụ nữ Dao có cách thêu rất độc đáo, họ không thêu theo khuôn mẫu mà hoàn toàn dựa vào trí nhớ và sự tưởng tượng của mình. Với kỹ thuật thêu điêu luyện, đồng bào thường thêu từ mặt trái của tấm vải và sau đó lật lại mặt bên kia để sử dụng. Vì vậy từng đường kim mũi chỉ phải tính toán cẩn thận để đảm bảo bố cục và màu sắc cân đối, hài hoà. Trên nền vải chàm truyền thống, đồng bào thêu lên đó hình tượng chim thú cách điệu, cây cỏ, hoa lá và cảnh trí thiên nhiên. Có khi chỉ là những hoạ tiết ngang, sọc nhưng được sắp xếp theo bố cục rất sinh động và đẹp mắt. Màu chỉ thêu được đồng bào sử dụng chủ yếu là màu đỏ, vàng, xanh và trắng thêu theo trình tự từ mặt sau đến mặt trước, rồi lên nẹp áo, xuống cổ tay rồi mới may lại thành bộ trang phục hoàn chỉnh. Yếm, xà cạp, khăn đội đầu hay gấu quần của phụ nữ người Dao cũng được thêu thùa trang trí hình chim thú, cây cối, sóng nước cách điệu. Để làm một bộ trang phục hoàn chỉnh như vậy cũng mất chừng ba đến bốn tháng, có khi vài ba năm. Trang phục nam cũng được thêu các hoạ tiết khá sinh động ở thân sau áo và hai ở bốn túi phía trước.

Trong những năm qua, nhiều Câu lạc bộ thêu của người Dao Lô Gang ở Bắc Giang được thành lập như: câu lạc bộ thêu xã Tuấn Đạo, câu lạc bộ thêu xã Phong Minh,... có đóng góp lớn cho việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Các câu lạc bộ đa dạng về độ tuổi cùng thêu, trao đổi và truyền dạy cho nhau kinh nghiệm thêu truyền thống làm nên những sản phẩm đẹp mắt và chất lượng. Nhằm khôi phục, bảo tồn nghề thêu truyền thống của người Dao, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch địa phương.

Bộ trang phục thêu của người Dao Lô Gang ở Bắc Giang không chỉ là sản phẩm vật chất trong lao động của đồng bào mà còn là một sản phẩm văn hoá vô cùng độc đáo được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Từng đường kim, mũi chỉ chứa đựng thế giới quan phong phú, đặc sắc, mang đậm giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật, thể hiện quan điểm thẩm mỹ của đồng bào, sự hoà quyện giữa con người với thiên nhiên mang lại bản sắc riêng của dân tộc mình. Không chỉ là sản phẩm vật chất, những sản phẩm này còn là sản phẩm tinh thần mang sắc thái dân tộc đặc trưng và rõ nét. Tuy nhiên, trước nguy cơ mai một của di sản trong thời đại ngày nay, việc kịp thời bảo tồn và phát huy nghề thêu truyền thống đang là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết nhằm lưu giữ vốn di sản văn hoá đặc sắc của đồng bào và thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch trong vùng./.

Mai Thanh

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu