22/01/2022 27/02/2022
1208 0
Dự hội nghị về phía tỉnh Bắc Giang còn có các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Mai Sơn, Lê Ô Pích; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương của tỉnh. Hội nghị cũng có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt hai tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương.
Các đồng chí chủ trì hội nghị.
Thời gian qua, 3 địa phương Bắc Giang, Quảng Ninh và Hải Dương đã tích cực hợp tác, thống nhất ban hành các chương trình, kế hoạch, quy chế phối hợp; chủ động, triển khai liên kết trên các lĩnh vực: Quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển KT-XH; xây dựng hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, an ninh trật tự… Điển hình là đã phối hợp xây dựng hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Cùng với đó, phối hợp triển khai nhiều dự án để tăng cường kết nối giao thông giữa Bắc Giang với các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh. Qua đó đã đạt được một số kết quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh; tiếp tục khẳng định vị thế của tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương là động lực tăng trưởng của vùng, khu vực, đóng góp tích cực vào phát triển chung của cả nước.
Thảo luận tại hội nghị, một số đại biểu cho rằng hoạt động hợp tác giữa 3 địa phương chưa tương xứng, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của các bên. Đó là, chưa có sự liên kết chặt chẽ theo phương thức đa phương; phần lớn các chương trình hợp tác mới diễn ra trên cơ sở hợp tác song phương; có nhiều nội dung hợp tác nhưng lại chưa bảo đảm tính tổng thể khi tham gia trong mối liên kết, liên quan trực tiếp đến cả 3 địa phương. Mặt khác, hợp tác trong phát triển giao thông kết nối còn có nội dung chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của các tỉnh, một số trục giao thông chưa được cải tạo, nâng cấp đồng bộ dẫn đến hiệu quả khai thác chưa cao.
Về hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh giữa doanh nghiệp các địa phương hiện đang chủ yếu duy trì ở cấp độ tự phát, thiếu tính định hướng và chưa bền vững, nhất là sự liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm vùng. Tình trạng xâm canh, xâm cư giữa hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương vẫn chưa được giải quyết triệt để, chưa hoàn thành việc bàn giao thực địa.
Về hợp tác xây dựng hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, đại diện lãnh đạo tỉnh Hải Dương đề nghị nên bổ sung quần thể di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc để trình UNESCO công nhận di sản thế giới.
Ngoài ra, một số ý kiến khác cũng đề nghị tăng cường đầu tư hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ vì kết nối quan trọng nhất là giao thông.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu thảo luận tại hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng, 3 địa phương cần ưu tiên hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó số một là làm tốt hạ tầng giao thông và văn hóa, du lịch. Theo đó, mỗi lĩnh vực có một tiểu ban xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện. Về du lịch, cần tiếp tục tháo gỡ rào cản, tăng tính kết nối giữa 3 tỉnh. Nghiên cứu có thể tổ chức lễ hội chung của 3 địa phương cấp quốc gia.
Trên cơ sở nắm rõ những lợi thế của từng địa phương và thảo luận của các đại biểu tại hội nghị, 3 tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương thống nhất tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các Nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp đối với từng địa phương, góp phần tích cực phát triển KT-XH của từng địa phương. Đồng thời thúc đẩy phát triển liên kết vùng theo nguyên tắc “chia sẻ - đồng thuận - cùng phát triển”.
Từ đó, các địa phương thống nhất đưa vào quy hoạch tỉnh các tuyến giao thông kết nối và tập trung hợp tác đầu tư để tăng cường liên kết vùng trên nguyên tắc phần thuộc bên địa giới hành chính bên nào bên đó đầu tư, gồm: Cải tạo đường tỉnh 330 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và tuyến đi đèo Kiếm thuộc xã Dương Hưu, huyện Sơn Động (Bắc Giang); đầu tư xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với Quốc lộ (QL) 37, kết nối huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang với thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương; đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 5 kết nối khu vực Chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang với Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương; tuyến đường nối đường tỉnh 293 tỉnh Bắc Giang đến QL18 (tại xã Bình Dương, thị xã Đông Triều).
Về cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 291 từ Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đi thị trấn Trới, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh sẽ phấn đấu sớm khởi công.
Các tỉnh cũng nhất trí đầu tư đường nối QL18, tỉnh Quảng Ninh với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (qua huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) để tạo tuyến giao thông kết nối giữa cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện tại và cao tốc Nội Bài - Hạ Long trong tương lai; tuyến đường nối QL37 (từ hồ Côn Sơn) với đường ven sông từ cao tốc Hải Phòng - Hạ Long đến thị xã Đông Triều nhằm kết nối đường ven sông từ cao tốc Hải Phòng - Hạ Long đến thị xã Đông Triều với đường Vành đai 5 - CT.39 để kết nối trực tiếp Đông Triều với Chí Linh, đồng thời trục giao thông này sẽ kết nối Quảng Ninh với 8 tỉnh, thành phố trong khu vực;
Ngoài ra, các tỉnh tiếp tục hợp tác trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, dịch vụ du lịch, lao động, an ninh, trật tự và quản lý địa giới hành chính; phối hợp triển khai chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang khẳng định đây là hội nghị lần đầu tiên được tổ chức giữa 3 tỉnh, có ý nghĩa quan trọng bàn giải pháp phát triển KT-XH của các địa phương. Đồng chí cho rằng, năm 2021, cùng với cả nước, các địa phương đều phải đối mặt với khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 song đã nỗ lực vượt khó, đạt được kết quả cao về các chỉ tiêu phát triển KT-XH. Đồng chí gửi lời cảm ơn sâu sắc đến cán bộ, Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương đã hỗ trợ đắc lực Bắc Giang chống dịch Covid-19, qua đó góp phần giúp Bắc Giang nhanh chóng dập dịch.
Nội dung tại hội nghị đã đề ra các giải pháp trước mắt, lâu dài trong liên kết phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh cho cả khu vực. Đồng chí đồng tình với kết quả chương trình phối hợp 3 tỉnh trong thời gian qua.
Đồng chí cho rằng Quảng Ninh là địa phương có nhiều cách làm mới, sáng tạo và đạt kết quả cao về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Do đó, cần bổ sung nội dung này trong chương trình hợp tác liên kết để các địa phương học tập.
Về liên kết, thúc đẩy đầu tư hạ tầng giao thông, Bắc Giang - Hải Dương phấn đấu khởi công tuyến đường cầu Đồng Việt (Yên Dũng) trong quý II/2022, khánh thành trong năm 2023 để kết nối đường ven sông của tỉnh Quảng Ninh - Hải Dương, sau đó đấu nối đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn.
Riêng tuyến đường 291 nối địa bàn Bắc Giang - Quảng Ninh, đây là con đường huyết mạch, nếu được cải tạo, nâng cấp nối tỉnh Quảng Ninh thì việc đến biển của người dân Bắc Giang được rút ngắn đáng kể. Hơn nữa, giảm chi phí vận chuyển khi cung cấp lương thực, thực phẩm cho thị trường tỉnh Quảng Ninh. Về du lịch, đồng chí đề nghị tỉnh Quảng Ninh không thu vé lên chùa Đồng để kích cầu du lịch.
Trao đổi tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đồng tình với ý kiến của đồng chí Dương Văn Thái và các đại biểu. Đồng thời nhấn mạnh tỉnh Quảng Ninh quyết liệt chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nội dung cam kết, thúc đẩy hạ tầng giao thông. Trong đó đầu tư đường tỉnh 291 kết nối tỉnh Bắc Giang - Quảng Ninh để "Bắc Giang có biển", cảng biển phát triển KT-XH.
Các địa phương ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác và phát triển liên kết vùng
3 tỉnh Bắc Giang - Quảng Ninh - Hải Dương giai đoạn 2022-2025.
Nhân dịp này, các địa phương ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác và phát triển liên kết vùng 3 tỉnh Bắc Giang - Quảng Ninh - Hải Dương giai đoạn 2022-2025./.
Theo BGP