Được phát triển bởi Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông

       LỊCH SỬ BẮC GIANG

        Bắc Giang ngày nay là vùng đất tụ cư của 20 dân tộc anh em, gồm: Kinh, Tày, Nùng, Hoa, Dao, Sán Chí, Sán Dìu... Nơi đây ở vào một địa thế thuận lợi, nằm trong khu vực Bắc Bộ, đất đai được bồi đắp phù sa bởi các con sông lớn như: Sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam; có núi cao bao bọc, có nhiều lâm sản quý, có vùng trung du rộng lớn thuận lợi việc canh tác.

        Trong lịch sử, thời các vua Hùng, Bắc Giang thuộc bộ Vũ Ninh của nước Văn Lang, dưới triều Đinh (968-980), Tiền Lê (980-1009) thuộc huyện Long Biên, thời Lý - Trần thuộc lộ Bắc Giang, thời Hậu Lê thuộc thừa tuyên Kinh Bắc, sau đổi thành trấn Kinh Bắc, trấn Bắc Ninh. Dưới đời vua Minh Mạng (năm thứ 2, 1821), Bắc Giang thuộc phủ Thiên Phúc, năm 1831, đổi tên thành tỉnh Bắc Ninh. Ngày 10/10/1895 Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định thành lập tỉnh Bắc Giang trên cơ sở hai phủ Đa Phúc, Lạng Giang tách ra từ tỉnh Bắc Ninh. Ngày 27/10/1962, tỉnh Bắc Giang sáp nhập với tỉnh Bắc Ninh trở thành tỉnh Hà Bắc. Ngày 06/11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã phê chuẩn chia tách tỉnh Hà Bắc, tái lập hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Bộ máy hành chính tỉnh Bắc Giang chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/1997 đến nay.

        Cư dân Bắc Giang sinh sống bằng nghề nông là chính. Trải qua nhiều đời, họ đã hình thành nên các làng, bản với hình thức kinh tế và văn hoá riêng biệt. Từ phương thức canh tác, chăn nuôi, từ nếp sinh hoạt, trang phục, phong tục, tập quán cho đến cách nghĩ, cách làm và lối sống… đã tạo nên truyền thống và đặc trưng của Bắc Giang. Làng truyền thống tiêu biểu còn giữ được như: Làng gốm Thổ Hà; làng rượu Vân Hà (Việt Yên); làng bún Đa Mai (thành phố Bắc Giang); làng mây tre đan Phúc Long, Phúc Tằng (Tăng Tiến - Việt Yên); làng rèn sắt Đức Thắng (Hiệp Hoà); làng quan họ Thổ Hà (Vân Hà - Việt Yên); làng tuồng Tân Dĩnh (Lạng Giang); làng chèo Đồng Quan (Đồng Sơn - Yên Dũng); làng Then (Thái Đào - Lạng Giang)...

        Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước vẫn được giữ gìn và phát huy. Làng võ, làng vật ở Yên Thế, Hiệp Hoà, làng thợ ở Yên Dũng; Làng Vân Xuyên (Hoàng Vân - Hiệp Hoà), vì cả làng theo Cách mạng mà còn gọi là làng Đỏ; làng Sặt (Liên Sơn - Tân Yên) là làng kháng chiến. Qua các thời kỳ lịch sử, Bắc Giang luôn có những nhân tài, trí sỹ: Đào Sư Tích; Thân Nhân Trung; Giáp Hải; Hoàng Công Phụ; Nguyễn Khắc Nhu; Hoàng Hoa Thám; Nguyễn Văn Mẫn; Hà Thị Quế…