Được phát triển bởi Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông

VỀ NƠI LƯU GIỮ MÀU CHÀM TRUYỀN THỐNG

28/04/2023 1822 0

Thôn Cầu Nhạc, xã Phong Vân, huyện Lục Ngạn là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Nùng (thuộc nhóm Nùng Phàn Shình). Bản giao phả của dòng họ Lý còn lưu giữ được cho biết đồng bào định cư sinh sống ở đây từ lâu đời tạo nên vùng văn hoá mang bản sắc riêng của người Nùng. Trong đời sống, đồng bào còn lưu giữa được nhiều vốn di sản văn hoá phong phú bao gồm văn hoá vật thể và phi vật thể như: nhà trình tường, đồ dùng, vật dụng, phong tục tập quán, văn hoá tín ngưỡng, văn hoá dân gian, tiếng nói…trong số những di sản văn hoá ấy thì trang phục truyền thống của người Nùng có giá trị đặc biệt trong đời sống văn hoá, và nghề thủ công truyền thống làm nên màu sắc của những bộ trang phục mà đồng bào còn lưu giữ được đó là kỹ thuật nhuộm chàm.

Những phụ nữ biết nhuộm tràm ở Phong Vân, Lục Ngạn

Nghiên cứu khoa học chứng minh từ những buổi sơ khai người Nùng đã biết cách khai thác sản vật được đất trời ban tặng, tạo nên một truyền thống văn hóa rất riêng từ vật dụng, trang phục, kiến trúc….Trong đó màu chàm được xem là hơi thở là biểu tượng cho bản sắc dân tộc của người Nùng vùng núi rừng phía Bắc nói chung và người Nùng ở Phong Vân nói riêng. Màu chàm được tạo ra từ cây chàm, một loại cây thân gỗ dễ sinh trưởng được đồng bào trồng ở vườn nhà, nương rẫy thậm chí chàm còn mọc ven đường ở Phong Vân. Cây chàm có cách sinh trưởng phát triển khác nhau, nhiều loại mọc thành bụi, thân gỗ nhỏ hay cây thân thảo. Theo thông lệ ở Phong Vân cứ vào tháng Hai đồng bào sẽ trồng cây chàm đến tháng Bẩy được thu hoạch và làm chàm để nhuộm vải kết thúc mùa vụ vào tháng Mười.

Việc chế biến thuốc nhuộm cùng với kỹ thuật nhuộm vải chàm tất cả đều cần sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ nên công việc này thường được người phụ nữ trong gia đình người Nùng đảm nhiệm. Anh Linh Văn Chắn trưởng thôn Cầu Nhạc, xã Phong Vân cho biết: “Xưa kia phụ nữ Nùng thôn Cầu Nhạc tự trồng bông dệt vải và trồng cây chàm để chế biến thuốc nhuộm nhưng ngày nay việc trồng bông dệt vải không còn được duy trì  nữa mà đồng bào chỉ còn gìn giữ nghề nhuộm chàm, hiện trong thôn Cầu Nhạc còn khoảng 10 hộ gia đình vẫn giữ nghề truyền thống tiêu biểu như: gia đình bà Lăng Thị Họi, Chương Thị Lý, Vi Thị Khỉnh, Vi Thị Cõi, Lý Thị Đắc...”

Về kỹ thuật nhuộm chàm, Bà Lăng Thị Họi, thôn Cầu Nhạc cho biết: “từ năm 12 tuổi bà đã được mẹ truyền dạy cho cách nhuộm chàm truyền thống của người Nùng. Các sản phẩm vải của người Nùng ở Phong Vân thường được nhuộm màu đen hoặc màu xanh đậm.Trước tiên người ta ngâm toàn bộ cây chàm vào chum gốm lớn có chứa sẵn nước và đợi một thời gian cho chúng mục ruỗng hết, nhựa cây đã hòa quyệt vào với nước thì lọc lấy nước bỏ xơ. Tiếp đó người thợ cho vôi vào dung dịch chàm, khuấy đều tay đến khi chàm và vôi lắng xuống đáy chum. Nước chàm được để cho cạn dần trong khoảng ba mươi ngày sau đó sẽ còn lại bột chàm đặc sánh gọi là cao chàm. Cao chàm có thể dùng được quanh năm, khi dùng chỉ cần lấy cao chàm pha với ít rượu theo tỉ lệ nhất định, bóp nhỏ và hòa tan với nước, sau đó khuấy mạnh đến khi sủi đầy bọt thì đậy lại. Sau đó vắt ra một thứ nước màu xanh lục, khi cho thêm vôi vào nước sẽ dần dần ngả nâu, bọt tím sẽ nổi trên bề mặt, cuối cùng nước sẽ chuyển sang màu xanh lam đậm (màu chàm). Người ta sẽ thử chất lượng của chàm bằng cách nếm loại chàm tốt có vị mặn, như vậy lượng vôi trong nước chàm là vừa phải”.

Nghệ nhân Lăng Thị Họi, Thôn Cầu nhạc xã Phong Vân phơi vải Chàm

Cũng theo bà Họi cho biết, để nhuộm vải màu đen (loại tốt nhất) cách nhuộm cũng khác với loại vải xanh lam. Người ta dùng một chiếc rổ to đựng tro bếp. Chiếc rổ này được đặt trên miệng một chiếc thùng, nước sẽ được đổ lên phía trên và sẽ nhỏ từ từ vào trong thùng. Sau đó, người ta hòa một bát bột cao chàm với loại nước đã lọc và cho thêm lá cây “sau sau” – một loại cây phổ biến ở trên rừng – có tác dụng giữ cho vải không bị phai màu. Mỗi ngày, người ta lại cho thêm một bát bột cao chàm vào thùng nước trong suốt ba mươi ngày, sau đó thì có thể bắt đầu nhuộm vải. Muốn nhuộm vải màu đen, người ta cho thêm một miếng vỏ cây “xanh xi” vào thùng nước chàm. Mảnh vải sẽ được nhúng vào nước chàm hai lần một ngày và được phơi khô, cứ như vậy trong một tháng. Nếu nhuộm vải màu xanh thì mất khoảng hai tuần, khi gặp thời tiết nắng đẹp nếu như có mưa công đoạn này có thể kéo dài đến nhiều tháng. Chính vì sự công phu và tỉ mỉ của người thợ mà những tấm vải làm ra đều bền, đẹp, cuốn hút người nhìn, là một giá trị vĩnh cửu theo thời gian. Trong suốt mùa nhuộm vải, bàn tay của người phụ nữ Nùng luôn có màu xanh chàm. Qua đó cũng có thể thấy được đức tính cần cù của họ.

Như vậy, nhuộm chàm thủ công là một quy trình khó, phức tạp đòi hỏi tính kiên nhẫn bền bỉ và chịu thương chịu khó của người phụ nữ dân tộc Nùng ở Phong Vân. Cùng với sự phát triển của đất nước, những chất liệu vải hiện đại đã dần len lỏi vào đời sống thường ngày của người dân, nhiều làng nghề, hộ gia đình đã dần từ bỏ việc trồng bông dệt vải, nhuộm vải chàm theo cách truyền thống. Để bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là nghề nhuộm chàm, chúng ta cần có biện pháp khôi phục lại các làng nghề truyền thống để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch địa phương. Hy vọng nghề nhuộm chàm và sản phẩm nhuộm chàm truyền thống sẽ đem lại sự thích thú cho khách du lịch phương xa khi có dịp ghé thăm vùng núi Phong Vân.

 Đồng Ngọc Dưỡng

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu