Được phát triển bởi Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông

Tạo điểm nhấn và sức hút cho du lịch Bắc Giang

07/08/2023 1565 0

Trong quá trình hình thành và phát triển mỗi sản phẩm du lịch, cần hội tụ nhiều yếu tố; trong đó, những giá trị nội tại của các loại hình di sản văn hóa và bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc trưng, riêng biệt của các dân tộc trên địa bàn, luôn được coi là chất liệu để tạo nên điểm nhấn và sức hút đối với du khách. Với bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa, tỉnh Bắc Giang có đầy đủ các chất liệu để tạo nên những điểm đến hấp dẫn và đang từng bước được vận hành với những tín hiệu khả quan.

        Khôi phục Lễ hội đua bè mảng trên hồ Khe Chão, xã Long Sơn, huyện Sơn Động 

Nâng tầm những đặc trưng văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được các cấp, các ngành quan tâm triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả. Nổi bật trong thời gian qua, là việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS), giai đoạn 2021 – 2025; trong đó Sở VHTTDL được phân công làm đầu mối, chủ trì tham mưu thực hiện các nội dung thuộc Dự án 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Theo đó, từ năm 2022, các nội dung thuộc Dự án 6 đã được Sở VHTTDL và các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang tổ chức triển khai thực hiện.

Thông qua việc triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án, Kế hoạch,… kết hợp với Dự án 6, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có nhiều khởi sắc. Cụ thể như: Các điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS; các làng bản truyền thống tiêu biểu của các DTTS; các thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn vùng đồng bào DTTS; các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các DTTS, ….  đã được quan tâm, chú trọng lập dự án đầu tư xây dựng, chỉnh trang, tu sửa. Cùng với đó, công tác khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống các DTTS; bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể (lễ hội, nghi lễ truyền thống,…) của các DTTS cũng đã được tiến hành, bảo tồn, phục dựng. Đặc biệt, cũng từ các Chương trình, Dự án nêu trên, công tác tập huấn, truyền dạy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng cũng được tổ chức thường xuyên, định kỳ.

Những kết quả trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đang từng bước góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào DTTS; đồng thời qua đó, cũng đã từng bước hình thành những sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút du khách tham quan, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Huyện Sơn Động, là địa phương được thụ hưởng nhiều nội dung từ nguồn vốn của Dự án 6. Do đó, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS nơi đây như được đón nhận một “làn gió mới”, góp phần làm cho những giá trị văn hóa được nổi bật hơn, rạng rỡ hơn, thậm chí được hồi sinh. Cụ thể, huyện Sơn Động được thụ hưởng 7/10 Dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS và miền núi; trong đó có 3 điểm du lịch cộng đồng (gồm xã An Lạc; bản Mậu, TT Tây Yên Tử; bản Nà Hin, xã Vân Sơn), 3 điểm du lịch sinh thái (gồm Núi Mục – thác Ba Tia, TT Tây Yên Tử; Hồ Khe Chão, xã Long Sơn; Khe Nương Dâu, xã Tuấn Đạo). Cùng với đó, các loại hình văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện Sơn Động cũng đã được bảo tồn, phục dựng; tiêu biểu như: Lễ hội xuống đồng, Lễ hội hát Then – đàn Tính của dân tộc Tày tại xã An Lạc; Lễ hội đua bè mảng tại xã Long Sơn; điệu múa Tắc Xình của dân tộc Cao Lan, Sán Chí tại xã Lệ Viễn … Cùng với huyện Sơn Động, những truyền thống văn hóa của đồng bào DTTS tại các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang cũng đang được “đánh thức” với nhiều nội dung được bảo tồn, phục dựng, tạo nên bức tranh tổng thể, đa sắc màu, hứa hẹn mang lại sức lôi cuốn đối với du khách gần xa.

 Phát huy giá trị các loại hình Di sản văn hóa

Đến nay, ngoài 4 Di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh là: Dân ca Quan họ, Ca trù, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam; tỉnh Bắc Giang còn 12 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (trong đó, có 09 lễ hội, 01 Nghi lễ Then của người Tày, Nùng và 02 loại hình Dân ca dân tộc thiểu số đó là: Dân ca Cao Lan và Dân ca Sán Chí). Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang còn có hơn 2.000 di tích lịch sử- văn hóa, trong đó có 746 di tích đã được xếp hạng các cấp (bao gồm 05 di tích, cụm di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, với 34 điểm; 96 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 616 di tích xếp hạng cấp tỉnh); 04 bảo vật quốc gia. Đặc biệt, Bắc Giang còn là nơi phát tích Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập với hệ thống các di tích còn lưu giữ đến ngày nay như chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hòn Tháp, Mã Yên, Bát Nhã, Hồ Bấc, … Những điểm di tích này, không chỉ hàm chứa những dấu ấn lịch sử - văn hóa, hay hiện hữu về những lối kiến trúc – nghệ thuật tiêu biểu, mà còn là một trong những địa điểm thực hành các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc. Tất cả tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu, được hội tụ và lan tỏa, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách.

         Truyền dạy Dân ca Sán Dìu tại xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn

Nổi bật phải nói đến chùa Vĩnh Nghiêm, nơi hiện hữu một một hệ thống công trình kiến trúc – nghệ thuật đồ sộ, có dấu tích từ thời Lý, phát triển cực thịnh vào thời Trần và được duy trì đến ngày nay; đồng thời là nơi lưu giữ 3.050 mộc bản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là nơi thu hút đông đảo Phật tử tham dự Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm – di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đối với Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà, là một quần thể kiến trúc – nghệ thuật được đánh giá là tiêu biểu, hàng đầu trong kiến trúc Phật giáo thuộc Thiền phái Lâm Tế ở miền Bắc, nơi hằng năm có không gian Lễ hội đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng thời là nơi diễn ra sân chơi Quan họ tiêu biểu, đại diện cho không gian Quan họ bờ Bắc sông Cầu – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…

Bên cạnh dấu ấn của văn hóa vùng Kinh Bắc, kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang, mang đậm dấu ấn văn hóa vùng Đông Bắc cũng rất phong phú và được bảo lưu, thực hành, tiêu biểu như: hát Sọong cô (dân ca Sán Dìu), Sịnh ca (dân ca Cao Lan), Cnắng côộ (dân ca Sán Chí), nghi lễ Then người Tày, Nùng; lễ cấp sắc dân tộc Dao, Sán Dìu,…

 Trong những năm qua, Sở VHTTDL đã xây dựng và thực hiện nhiều Chương trình, Kế hoạch, Đề án, Đề tài khoa học nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng.

Tiêu biểu như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của các lễ hội, trong đó chú trọng bảo tồn, khôi phục các nghi lễ, trò chơi dân gian truyền thống, tạo điểm nhấn đặc sắc như: Lễ hội Yên Thế (TT Phồn Xương, huyện Yên Thế) khôi phục nghi lễ “phóng ngư, phóng điểu”; lễ hội Thổ (xã Vân Hà, huyện Việt Yên) có nghi lễ đám rước chuẩn mực, tiêu biểu; lễ hội đình Vồng (xã Song Vân, huyện Tân Yên) có lễ tế ngựa- một nghi thức biểu dương tinh thần thượng võ,…

Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản đảm bảo tính khoa học, bền vững, Sở VHTTDL đã Tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số”; Triển khai đề tài khoa học "Điều tra, nghiên cứu di sản dân ca các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang"; Biên soạn và xuất bản các đầu sách, tài liệu khoa học có giá trị về lịch sử văn hóa, các di sản văn hóa địa phương nhằm khẳng định giá trị lịch sử như: Lễ hội Bắc Giang, Di sản văn hóa phi vật thể Bắc Giang, Kỷ yếu về Bảo tồn Dân ca ở Bắc Giang …

 Cùng với đó, Sở VHTTDL cũng đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nhiều nội dung nhằm sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng, phổ biến các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Cao Lan (xã Đèo Gia) và dân ca Sán Chí (xã Kiên Lao), huyện Lục Ngạn.

Nhằm động viên, khích lệ phong trào hát dân ca, Sở VHTTDL đã có chủ trương khuyến khích đưa các loại hình hát dân ca vào chương trình biểu diễn của các Ngày hội, Liên hoan, Hội thi, Hội diễn Văn hóa – Nghệ thuật quần chúng các cấp. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương duy trì, nhân rộng các CLB hát dân ca. Đến nay, toàn tỉnh hiện có tổng  số 49 CLB hát dân ca dân tộc thiểu số được thành lập và đi vào hoạt động. Hoạt động của các CLB này không những góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS mà còn trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút du khách tham quan, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương, tiêu biểu như: CLB dân ca Cao Lan (phục vụ phát triển du lịch cộng đồng tại bản Ven, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế); CLB hát then-đàn tính (phục vụ phát triển du lịch cộng đồng tại xã An Lạc, huyện Sơn Động); CLB hát Dân ca Cao Lan, Sán Chí (phục vụ phát triển du lịch vùng cây ăn quả; du lịch trải nghiệm vùng lòng hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần tại huyện Lục Ngạn),…

Với những chất liệu sẵn có, cộng thêm những nỗ lực của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào vùng DTTS&MN, chắc chắn những đặc trưng văn hóa truyền thống của các dân tộc sẽ góp phần tạo nên điểm nhấn và sức hút đối với ngành du lịch tỉnh Bắc Giang.

Phí Trường Giang

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu