Được phát triển bởi Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông

Tăng cường bảo tồn phát huy giá trị các di tích trọng điểm của địa phương gắn phát triển du lịch

08/11/2022 1736 0

Với hệ thống di tích lịch sử đa dạng và đặc sắc, đặc biệt các di tích trọng điểm luôn là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch nhất là loại hình du lịch văn hóa tâm linh - một trong những sản phẩm du lịch được xem là đặc trưng, thế mạnh của Du lịch Bắc Giang.

Thực tế cho thấy, hệ thống di tích luôn là tài nguyên du lịch lớn và có sức hút hấp dẫn đối với khách du lịch;là một trong những thành tố quan trọng để xây dựng nên các sản phẩm du lịch nói chung nhất là các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, bản sắc riêng có của từng vùng, miền. Để hình thành nên một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh bên cạnh các yếu tố về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, các dịch vụ du lịch và nguồn nhân lực thì hệ thống tài nguyên du lịch trong đó có hệ thống di sản, di tích là một nhân tố không thể thiếu trong việc xác định hình ảnh và xây dựng thương hiệu du lịch địa phương.

Xét trong mối quan hệ tương tác qua lại giữa hoạt động du lịch và hệ thống di tích lịch sử đó là mối quan hệ biện chứng khó tách rời. Khi di tích được khai thác và bảo tồn gìn giữ sẽ tạo ra nguồn lực lớn để ngành du lịch khai thác và phát triển; Khi du lịch phát triển cũng tạo ra cơ hội cho việc tăng cường giao thoa giữa các nền văn hóa từ đó càng làm tăng thêm phần giá trị của hệ thống di tích. Hơn nữa, một phần doanh thu từ du lịch sẽ được quay trở lại tái đầu tư vào việc bảo tồn, tôn tạo, phục dựng và quản lý di tích. Với ý nghĩa đó, du lịch phát triển sẽ có nhiều đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn và phát huy bền vững giá trị của di tích.

Xác định được vai trò tầm quan trọng của hệ thống di tích nói chung và ý nghĩa của chúng trong việc khai thác phục vụ hoạt động nói riêng, tỉnh Bắc Giang lâu nay rất quan tâm đến việc gìn giữ bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh đặc biệt đối với các di tích trọng điểm (Di tích Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế; Di tích chùa Bổ Đà; Di tích Địa điểm Chiến thắng Xương Giang; hệ thống Di tích Tây Yên Tử…) gắn với hoạt động du lịch địa phương nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm. Tại hệ thống di tích Tây Yên Tử, qua khảo sát bước đầu đã thống kê có trên 130 cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (chủ yếu là đình, đền, chùa) nằm trong khu vực Tây Yên Tử. Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích; lập hồ sơ đề nghị xếp hạng hàng chục điểm di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia; tổ chức các chương trình, đề tài khoa học nghiên cứu về sinh hoạt văn hóa, di tích, phong tục tập quán tín ngưỡng khu vực Tây Yên Tử. Thực hiện 02 đề tài nghiên cứu khoa học, 02 chương trình bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, xuất bản 01 cuốn sách "Di tích, danh thắng vùng Tây Yên Tử”; tổ chức 08 đợt khai quật khảo cổ để nghiên cứu về lịch sử văn hóa vùng Tây Yên Tử; xây dựng phòng trưng bày với chủ đề "Bắc Giang - Miền đất thiêng Tây Yên Tử" tại Khu Du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử và tại Bảo tàng Bắc Giang. Từ năm 2018, Khu văn hóa tâm linh - Tây Yên Tử đã hoàn thiện một số hạng mục cơ bản, bước đầu đưa vào sử dụng đạt hiệu quả; Đến nay, khu di tích danh thắng Tây Yên Tử dần trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh mỗi khi đến Bắc Giang.

Phía trước Đồn Phồn Xương, ảnh Văn Dương

Đối với Di tích Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 1 (2017-2021) với khoản kinh phí gần 100 tỷ đồng, tập trung tu bổ, tôn tạo khu di tích Phồn Xương (huyện Yên Thế), khu lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám ở làng Trũng, xã Ngọc Châu (huyện Tân Yên), Đình Nội, xã Việt Lập (huyện Tân Yên), đình Đông, thị trấn Bích Động (huyện Việt Yên), chùa Kem, thị trấn Nham Biền (huyện Yên Dũng); Di tích Địa điểm Chiến thắng Xương Giang UBND thành phố đầu tư xây dựng các công trình như: Đền Xương Giang và các hạng mục phụ trợ (nghi môn, tả vu, hữu vu, lầu trống, lầu chuông...), Nhà trưng bày và biểu diễn nghệ thuật..., với tổng mức đầu tư lên đến hơn 200 tỷ đồng (trong đó kinh phí xã hội hóa là 22,76 tỷ đồng). Qua đó tạo tiền đề quan trọng để bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững.

 Ngoài ra gắn với hệ thống di tích liên quan đến đình, chùa lớn của tỉnh tiêu biểu tại Di tích chùa Bổ Đà huyện Việt Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phối hợp với UBND huyện Việt Yên, đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ Nhiệm vụ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên. Đây là điều kiện thuận lợi để tăng cường quản lý, bảo tồn, huy động các nguồn lực đầu tư tu bổ, tôn tạo, đưa di tích thành điểm du lịch tâm linh thu hút mạnh mẽ khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Hay di tích chùa Vĩnh Nghiêm cũng được tỉnh quan tâm đầu tư hàng chục tỷ đồng cho việc xây hạng mục mới nổi bật là Nhà Trưng bày lưu giữ Mộc Bản.

 Với những nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống di tích, trong thời gian vừa qua tỉnh Bắc Giang đã từng bước khai thác ngày một hiệu quả giá trị của hệ thống các di tích trọng điểm cho phát triển du lịch nhất là loại hình du lịch gắn với di sản văn hóa như: Du lịch tâm linh, du lịch lễ hội, du lịch sinh thái kết hợp với di sản v.v...  Tại các điểm di tích đó đã thu hút lượng lớn du khách đến tham quan tìm hiểu đặc biệt và vào dịp mang tính sự kiện. Tiêu biểu kể đến Khu di tích danh thắng Tây Yên Tử vào thời điểm đại dịch Covid - 19 chưa bùng phát, lượng khách đến điểm du lịch đạt hàng trăm nghìn lượt chỉ trong mấy tháng đầu năm 2019 theo thống kê của công ty cổ phần dịch vụ Tây Yên Tử. Tuy nhiên việc khai thác giá trị di tích trong phát triển du lịch tại một số điểm vẫn còn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Hơn nữa nếu buông lỏng sự quản lý thì dễ dẫn đến việc khai thác khó kiểm soát, thiếu tính bền vững sẽ gây nguy cơ đang đe dọa tới tính nguyên vẹn cũng như giá trị cốt lõi của di tích. Ví như: Nếu sự khai thác thương mại hóa quá mức, quá tải về khách, sự lạm dụng di tích, phục dựng sai quy cách, làm mới di tích… làm cho di tích nhanh xuống cấp, mai một dần, nhạt nhòa giá trị... Mặt khác du lịch văn hóa bị thương mại hóa quá mức sẽ làm nhàm hóa giá trị văn hóa; nguy cơ phai nhòa bản sắc, phá vỡ truyền thống và lối sống địa phương.

Như vậy, để khai thác hiệu quả hơn nữa giá trị di tích trọng điểm gắn với hoạt động du lịch hướng đến tính bền vững, rất cần các bên liên quan, đặc biệt cơ quan đơn vị, chức năng quản lý nhập cuộc nỗ lực đưa ra các hướng giải pháp để khai thác hiệu quả giá trị di tích trọng điểm gắn với hoạt động du lịch mang tính bền vững, hiệu quả như: Có văn bản quy định, hoạch định chính sách quản lý và quy hoạch bảo tồn và phát huy bền vững giá trị của di tích văn hóa gắn phát triển du lịch; Tích cực tuyên truyền phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân cũng như các tổ chức doanh nghiệp, du khách...và khuyến khích họ cùng cộng đồng địa phương chủ động cùng tham gia bảo tồn gìn giữ di sản, gắn lợi ích của cộng đồng địa phương với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản; Đưa ra các quy định xử lý nghiêm, triệt để với những vi phạm đối với hệ thống di sản. Mặt khác kịp thời biểu dương, tôn vinh các hoạt động nhất là các hoạt động du lịch đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả cho việc bảo tồn phát huy giá trị hệ thống di tích hướng tới sự phát triển bền vững./. 

 Hà Bộ

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu