Từ sớm tinh mơ, trên các vườn, đồi xung quanh dưới chân ngọn núi Dành thuộc địa bàn 2 xã Liên Chung và Việt Lập, huyện Tân Yên ( Bắc Giang), người nông dân trồng sâm đã í ới, trò chuyện râm ran, tấp nập thu hoạch hoa sâm Nam núi Dành. Tới thôn Đồng Sen, xã Việt Lập chúng tôi bắt gặp thấp thoáng những bóng áo xanh Đoàn Thanh niên xen lẫn tiếng cười nói râm ran, tíu rít của các nam thanh, nữ tú khuấy động bầu không khí buổi sớm mùa thu trở nên rộn ràng, náo nhiệt.
Một góc vùng trồng sâm Nam núi Dành tại thôn đồng Sen, xã Việt Lập( ảnh nhìn từ trên cao). Ảnh: TNS.
Được biết, ngày chủ nhật hôm nay, Đoàn viên Thanh niên (ĐVTN) xã Việt Lập tổ chức cho một số ĐVTN ra quân tình nguyện thăm mô hình phát triển kinh tế sản xuất sâm Nam núi Dành tại thôn Đồng Sen và giúp đỡ 02 gia đình ông Thân Hải Đăng và ông Nguyễn Tiến Mạnh thu hoạch nụ hoa sâm Nam núi Dành. Với tinh thần sức trẻ nhiệt huyết, các bạn rất phấn khởi tình nguyện tham gia thăm mô hình trồng, sản xuất sâm Nam núi Dành, đồng hành giúp đỡ bà con nông dân thu hoạch nụ hoa sâm. Trước vẻ đẹp màu trắng của hoa sâm Nam, các bạn trẻ còn thích thú Check- in lưu lại kỷ niệm ấn tượng cùng những bông hoa sâm trắng tinh khôi, lãng mạn”.
Giúp đỡ gia đình ông Nguyễn Tiến Mạnh, thôn Đồng Sen, xã Việt Lập . Ảnh: TNS.
Gương mặt trẻ ĐVTN xã Việt Lâp giúp dân thu hái hoa sâm. Ảnh: TNS.
Theo ông Thân Hải Đăng - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi dành Việt Lập thông tin, người trồng sâm Nam năm nay được mùa hoa, tính riêng HTX ước đạt thu được khoảng từ 1, 6 - 1,8 tấn hoa sâm khô thành phẩm làm trà, với giá bán hiện nay khoảng 800.000 đồng - 1.000.000 đồng /kg, thu về khoảng từ 1,4 - 1,5 tỷ đồng/vụ. Đặc tính của cây sâm Nam núi Dành cho khai thác nhiều hoa nhất ở năm 2 và năm 3. Xã Việt Lập có khoảng trên 100 hộ gia đình trồng sâm Nam núi Dành, ít thì trồng vài gốc trong vườn nhà để sử dụng, nhiều thì hàng trăm, hàng nghìn gốc. Nhiều hộ gia đình đổi đời, giàu lên từ đầu tư phát triển trồng sâm Nam núi Dành điển hình như gia đình ông Nguyễn Tiến Mạnh, thành viên HTX trồng 1,4 ha sâm Nam núi Dành, hai ngày gia đình ông Mạnh thu hái nụ hoa sâm một lần được khoảng từ 2,0 - 2,5 tạ hoa sâm tươi. Sau chế biến sấy khô đạt từ 30 - 35 kg hoa khô làm trà. Vụ hoa sâm này, gia đình ông ước tính thu hoạch khoảng 7 tạ trà hoa sâm khô, trị giá khoảng trên 600 triệu đồng. Gia đình ông Thân Văn Ngọc, thôn Đồng Sen, trồng sâm Nam núi Dành diện tích 0,7 ha, ước tính cả vụ hoa sâm này ông Ngọc sẽ thu hoạch hoa sâm tươi sau khi chế biến thành phẩm ước khoảng 3 tạ trà hoa sâm khô, thu về trị giá khoảng 260 - 280 triệu đồng. (Chưa trừ các khoản chi phí).
Niềm vui được mùa bội thu vụ hoa Sâm năm 2022 của bà Giáp Thị Chinh, thôn Đồng Sen, xã Việt Lập. Ảnh: TNS.
Trong buổi sáng ngày chủ nhật, kết quả, các bạn trẻ ĐVTN xã Việt Lập đã giúp hai gia đình ông Thân Hải Đăng và ông Nguyễn Tiến Mạnh thu hoạch về trên 2,5 tạ hoa sâm tươi. Góp phần giúp đỡ, động viên các gia đình thu hái hoa sâm phần nào bớt đi vất vả, bận rộn khi mùa hoa sâm về nở rộ vào chính vụ.
Trà hoa sâm Nam núi Dành có công dụng mát gan, tiêu độc, giải nhiệt, tiêu hóa, an thần chữa mất ngủ. Ngoài ra, hoa sâm còn được sử dụng làm thang trong các bài thuốc đông y. Chất Saponin trong củ sâm Nam núi Dành có tác dụng cung cấp hoạt chất bồi bổ cơ thể như axit amin, khoáng chất, dầu thơm…giúp tăng cường sinh lực, tăng khả năng miễn dịch, ngừa lão hóa, chống o xy hóa, chữa ho, long đờm, hạ nhiệt giảm sốt, tăng khả năng hấp thụ dưỡng chất, chống viêm, kháng khuẩn, ức chế vi rút và một số tác dụng ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư.
Mấy năm gần đây, bà con nông dân trồng cây sâm Nam núi Dành trên địa bàn 02 xã Việt Lập và Liên Chung nhờ tâm huyết áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, đầu tư cho cây sâm Nam núi Dành hồi sinh, phát triển trở thành vùng dược liệu quý đem lại nguồn thu nhập phát triển kinh tế từ việc bán hoa sâm, sâm củ và cây sâm giống thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Một góc vùng trồng sâm Nam núi Dành tại thôn đồng Sen, xã Việt Lập( ảnh nhìn từ trên cao). Ảnh: TNS.
Bóng nắng chiều đang khuất dần trên đỉnh núi Dành, chúng tôi tạm chia tay vùng sâm Nam núi Dành có nguồn gốc lịch sử từ thời Vua Tự Đức ở thế kỷ thứ 18. Tới thăm nơi đây, bạn sẽ được khám phá, trải nghiệm cùng người dân bản địa thu hái hoa sâm; check-in ghi lại khoảnh khắc ấn tượng cùng những bông hoa sâm lãng mạn và tinh khiết. Sau đó tiếp tục thăm di tích lịch sử Đền Dành tọa lạc trên núi Dành; thăm đình Vường, đắm say nghe làn điệu ống, hát ví của Câu lạc bộ hát ống, hát ví xã Liên Chung biểu diễn; thưởng thức món nem nướng quê hương Liên Chung đặc sản, nhắm với thứ rượu bổ sâm Nam núi Dành có hương vị ngọt ngào, nồng nàn say làm lòng người đến khó mà quên được.
Cây cầu vượt sông Thương nối địa phận hai xã Việt Lập và Liên Chung ( huyện Tân Yên) sang địa phận xã Dương Đức (huyện Lạng Giang). Ảnh: TNS.
Cây cầu vượt sông Thương thuộc dự án nối đường quốc lộ 37- quốc lộ 17 - đường tỉnh 292 đoạn Việt Yên - Tân Yên - Lạng Giang đi qua địa bàn xã Liên Chung và Việt Lập ( huyện Tân Yên) đến nay cơ bản đã hoàn thành. Hiện nay, các phương tiện đã có thể tạm thời lưu thông, tạo “cú hích” cho vùng dược liệu sâm Nam núi Dành phát triển cùng du lịch văn hóa, tâm linh của địa phương Liên Chung và Việt Lập sẽ khởi sắc, hấp dẫn du khách./.
Trần Ngọc Sơn