Được phát triển bởi Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông

Về Bắc Giang khám phá chùa Bổ Đà

18/08/2022 2484 0

         Di tích chùa Bổ Đà là danh lam cổ tự linh thiêng của vùng Kinh Bắc xưa, ngôi chùa thuộc xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Chùa Bổ Đà  tọa lạc trên trên núi Phượng Hoàng nhìn xa xa là dòng sông Cầu thơ mộng hiền hòa uốn lượn. Tương truyền, chùa Bổ Đà được xây từ thời Lý ( thế kỷ thứ XI), ban đầu là một gian chùa được xây dựng bằng đất nện, lợp cỏ tranh trên đỉnh dãy núi Phượng hoàng. Vào thời vua Lê Dụ Tông ( 1720-1729) chùa được mở mang xây dựng, các giai đoạn sau này được tu bổ, tôn tạo. Hiện nay ngôi chùa  có 4 hạng mục chính là: Chùa Tứ Ân; vườn tháp, chùa Cao; am Tam Đức và ao Miếu.

Nhìn từ trên cao, phong cảnh chùa BĐà tọa lạc trên sườn dãy núi Phượng Hoàng được bao bọc xung quanh là khu rừng phòng hộ và vườn cây xanh mát um tùm. ảnh TNS:

 

Là một trong số ít những ngôi chùa còn giữ được khá nguyên vẹn nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Lối kiến trúc độc đáo khác hẳn với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc, đó là lối “ nội thông ngoại bế” tạo nên dáng vẻ u tịch, tôn nghiêm và linh thiêng. Chùa được xây dựng bằng các loại vật liệu như gạch nung; trình tường; ngói cổ; tiểu sành…tường bao xung quanh chùa  được xây dựng bằng trình tường đất nện, phủ kín rêu phong rất vững chắc in đậm dấu thời gian.

Lối vào chùa Bổ Đà, rợp bóng mát tán cây cổ thụ đón chân du khách. Ảnh: TNS. 

Tham quan chùa Bổ Đà cổ kính, rợp bóng mát cây xanh nghìn năm tuổi, như đưa ta lạc vào cõi thiên đường cổ tích. Gần trăm gian nhà chùa kiến trúc cổ kính có niên đại trên nghìn năm tuổi. Khuôn viên chùa được trồng rất nhiều loài cây xanh cổ thụ có tuổi đời từ hàng trăm, đến hàng nghìn năm tuổi như: Đa; Si; Xanh; Xà cừ với dáng sù sì, già nua in đậm dấu thời gian… xen lẫn các loài cây ăn quả như: Trám; Mít; Bưởi; Na; Hồng; Chay; Thị; Sấu; Roi… đan xen tạo nên một quần thể không gian xanh mát mẻ, yên tĩnh in bóng ôm trọn những mái chùa cổ kính. Chim chóc kéo về quần tụ làm tổ sum họp, hót réo véo von khiến du khách tham quan như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Du khách đến thăm chùa cầu bình an, may mắn, sức khỏe 

Em Phương Thị Ngân ở xã Hồng Việt, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) Check- in bức hình cùng hoa sen trong không gian ngôi chùa cổ. Ảnh: TNS.

 Du khách thăm chùa sẽ đi qua những chiếc cổng gạch xây cuốn vòm cũ kỹ, cổ kính đậm dấu thời gian. Trải qua nhiều thế kỷ, các giai đoạn lịch sử dân tộc bị các thế lực phong kiến đế quốc ngoại xâm đô hộ, áp bức song ngôi chùa linh thiêng hầu như không bị tác động tàn phá. Chùa Bổ Đà tuy được trùng tu nhiều lần, song cơ bản vẫn giữ được nét kiến trúc cổ từ tường trình đất nện; bức tranh sứ chim hạc gắn trên tường phía đầu hồi nhà chùa; các dòng chữ nho nổi đắp trên cổng vòm lối vào chùa....

Em Nguyễn Thu Thanh ở TP Bắc Giang, chiêm ngưỡng nét xưa của cổng chùa cổ: Ảnh: TNS

Bên cạnh những giá trị thẩm mỹ về kiến trúc cổ xưa, theo thượng tọa, Tự Tục Vinh, trụ trì chùa Bổ Đà cho biết, hiện nay nhà chùa còn vẫn lưu giữ nguyên vẹn một kho tàng di sản Hán Nôm với 24 bộ kinh Phật khắc bằng gỗ Thị cổ nhất Việt Nam với gần 3000 mộc bản cổ nhất Việt Nam, có ý nghĩa to lớn trong công tác nghiên cứu khoa học về thế giới phật giáo, là bảo vật của quốc gia.

Vườn tháp cổ có 126 cây tháp được xây dựng theo phong cách cổ truyền thống theo phong cách kiến trúc giai đoạn của các thời đại nối tiếp nhau qua nhiều thế kỷ. Nơi an táng của phái Sơn môn, theo kiến trúc phân cấp cụ thể: Tháp của Tăng trên đầu có 3 tầng, trên đầu ngọn tháp thể hiện 1 đài sen và 1 bình cam lộ, tháp của Ni có hai tầng trên có đấu và nụ sen; các mộ trí bên dưới là của các bà vãi và bố mẹ các sư ở chùa.

Tại Bắc Giang ngoài trốn tổ Vĩnh Nghiêm  còn một trốn tổ nữa không kém phần tố hảo, là trung tâm Phật giáo lớn nơi truyền bá, duy trì và phát triển phái Thiền Lâm Tế từ bao đời nay đó là Sơn Môn Bổ Đà. Ngôi chùa được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016; Lễ hội chùa Bổ Đà được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL ngày 23/01/2017; Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 2089/QĐ-TTg công nhận Mộc bản chùa Bổ Đà bảo vật quốc gia ngày 25/12/2017; Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ký Quyết định số 703/QĐ-UBND ngày 30/9/2019, công nhận chùa Bổ Đà là điểm du lịch của tỉnh Bắc Giang.

Sư thày Hiệu Đàm Niệm 77 tuổi, kiểm tra mộc bản kinh trong kho lưu trữ chùa Bổ Đà Ảnh: TNS

Khi tới thăm chùa, du khách phải tuân thủ các nội quy quy định như: Giữ vệ sinh chung sạch sẽ, không vứt rác thải bừa bãi, ngắt bẻ hoa và cây xanh; không tự  ý động chạm làm xê dịch vị trí và lấy đi đồ vật trong ngôi chùa; ăn mặc lịch sự, kín đáo không rực rỡ, lòe loẹt; nói năng nhẹ nhàng đủ nghe để chốn tâm linh thêm tôn nghiêm, thanh tịnh một nét đẹp văn hóa truyền thống của phật giáo Việt Nam.

Chùa Bổ Đà là địa chỉ du lịch tâm linh lý tưởng cho du khách. Vào các dịp tết hoặc ngày hội có đến hàng trăm, hàng nghìn du khách tìm về nơi đây để thăm quan tìm hiểu giá trị truyền thống lịch sử; giá trị kiến trúc nghệ thuật cổ kính đặc trưng của vùng Kinh Bắc xưa. Về thăm chùa Bổ Đà giữa không gian xanh mát, du khách sẽ tìm lại cảm giác thư thái an yên sau những ồn ào, náo nhiệt, bon chen xô bồ nơi thành phố. Sau khi thăm quan chùa Bổ Đà du khách có thể ghé thăm Làng Cổ Thổ Hà, xã Vân Hà huyện Việt Yên hoặc  điểm du lịch sinh thái Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang thuộc thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên. Đây là 2 điểm đến kết hợp với chùa Bổ Đà sẽ tạo thành tuor du lịch văn hóa tâm linh - sinh thái đặc trưng của huyện Việt Yên hấp dẫn du khách gần xa.   

                                                                                                                                                                                                                                                                                    

     Bài , ảnh Trần Ngọc Sơn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu