Được phát triển bởi Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông

Đậm đà hương sắc bản Ven

09/02/2023 1818 0

Là một trong những thôn, bản cổ truyền của người Cao Lan, được hình thành cách đây hơn 300 năm, bản Ven thuộc xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, cách thành phố Bắc Giang 40km, cách Hà Nội khoảng 85km, cách trung tâm huyện lỵ Yên Thế 15km. Những năm gần đây, bản Ven được nhiều người biết đến là điểm du lịch sinh thái – cộng đồng hấp dẫn. Nơi đây, có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với ngút ngàn rừng, núi, thác nước; đây đó, xen lẫn những công trình văn hóa bản địa truyền thống, tạo nên khung cảnh ấn tượng giữa núi rừng Yên Thế. Đặc biệt, đến với bản Ven, du khách sẽ được ngắm nhìn những đồi chè xanh ngút tầm mắt và hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của người Cao Lan.

 Khám phá những giá trị cảnh quan thiên nhiên

Dưới chân các triền đồi tại xã Xuân Lương là khu vực cộng đồng bản làng dân tộc thiểu số lập làng sinh sống, trong đó thành phần dân tộc thiểu số đậm đặc nhất là người Cao Lan tại bản Ven. Cảnh quan đặc sắc, tiêu biểu nơi đây, được xen kẽ bên bản làng là những mái nhà sàn, mái đình cổ, những cánh đồng ruộng bậc thang, vườn cây ăn quả, đồi chè xanh ngút tầm mắt … Cũng tại bản Ven, có hồ suối Ven, cùng với hồ Ngạc Hai rộng trên 40 héc ta, là nơi dự trữ nước sạch quanh năm phục vụ tưới tiêu cho các cánh đồng trên địa bàn, tạo nên cảnh quan quanh năm tươi đẹp. Liền kề với bản Ven, là khu du lịch sinh thái Xuân Lung – Thác Ngà với hai dòng thác lớn là Thác Ngà và thác Lũng Tình, chảy từ độ cao 30m; đặc biệt, đây là nơi có cây lim xanh nghìn năm tuổi được công nhận cây di sản Việt Nam và là nơi diễn ra lễ hội Xuân Lung – Thác Ngà mang đậm màu sắc vùng cao. Cách khu du lịch sinh thái Xuân Lung - Thác Ngà 5km, là khu rừng nguyên sinh quanh năm xanh mát, đa dạng sinh học với rừng nứa, vầu, măng đắng, rừng cây gỗ tự nhiên, còn giữ được nhiều nét hoang sơ. Đây là nơi cung cấp nhiều sản vật như: Mật ong rừng, ốc núi, măng nứa, măng đắng, rau dớn, hoa chuối rừng và một số loại cây dược liệu quý…  

Đồi chè tại bản Ven

Hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống đặc sắc của người Cao Lan

Hiện nay, bản Ven có  trên 150 hộ gia đình, trong đó người Cao Lan chiếm hơn 90% số hộ. Người Cao Lan ở bản Ven, hiện còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa, nét sinh hoạt truyền thống. Về những nét kiến trúc truyền thống của người Cao Lan ở bản Ven, trong đó nhà ở truyền thống của người Cao Lan là nếp nhà sàn, thường là ba gian hai chái; phần khung nhà sàn của người Cao Lan có kết cấu giằng néo, dầm dưới xà trên, có câu đầu, kèo dốc dài xuống gần đến phần sàn nhà; mái nhà được lợp bằng lá cọ hoặc cỏ gianh, gồm 4 mái, 2 mái chính và hai mái chái nhỏ hơn. Kề với nhà lớn thường có thêm nhà phụ, phần sàn nhà phụ là nơi để các loại lương thực, thực phẩm như thóc, ngô, khoai và dụng cụ lao động ... Cũng giống như kiến trúc nhà sàn truyền thống nhưng đơn sơ và giản dị hơn, Lán vách nứa lợp lá cọ của người Cao Lan ở bản Ven là những lán tạm được dựng lên với kiến trúc đặc sắc, vững chãi từ những vật liệu thân thiện như mái lá cọ, phên tre nứa, cột làm bằng cây tre, cây mai, cửa sổ phòng ngủ có thể mở ra, khép lại đảm bảo sự thông thoáng và riêng tư.

Nét kiến trúc nhà sàn của người Cao Lan

Bên cạnh đó, nét kiến trúc của những công trình tín ngưỡng tâm linh cũng hàm chứa nhiều nét độc đáo như: Đình làng của người Cao Lan được xây dựng theo kiến trúc mái cong lợp ngói vẩy, khung đình được dựng theo kiến trúc nhà sàn cổ nhưng không làm sàn, mỗi vị trí trong đình là các ban thờ riêng, không chạm khắc nhiều họa tiết rồng, phượng như người kinh mà bằng những họa tiết hoa văn truyền thống tượng trưng cho đất trời, nước, lửa, mây… Thổ kỳ là kiến trúc mang nét tâm linh tín ngưỡng riêng của người Cao Lan, giống như miếu thờ của người Kinh, nhưng lại có lối kiến trúc như nếp nhà sàn thu nhỏ, mái được lợp ngói và vách được be hoàn toàn bằng gỗ. Người Cao Lan lập Thổ kỳ tại những gốc cây to trong làng để thờ các vị thần, thờ thổ công, thổ địa cai quản làng, mang ý nghĩa bảo vệ sự bình an, cầu mong sự che trở cho người dân bản làng luôn gặp may mắn, mưa thuận, gió hòa.

Nét kiến trúc cổ kính bên gốc lim xanh nghìn năm tuổi

Hòa cùng hình ảnh cổ kính của những công trình kiến trúc truyền thống ẩn hiện bên những vạt núi, đồi quanh năm xanh mát, là những bóng áo chàm chân tay thoăn thoắt trên những nương chè. Đây là nguồn nguyên liệu để người Cao Lan tạo ra những sản phẩm chè thượng hạng, làm nên thương hiệu nổi tiếng “Chè xanh bản Ven”. Ngay trong không gian lao động, sản xuất và sinh hoạt thường ngày giữa núi rừng xanh thắm này, người Cao Lan ở bản Ven luôn vang lên những nhịp điệu dân ca truyền thống. Dân ca Cao Lan được lưu truyền trong cộng đồng dân tộc Cao Lan như một sinh hoạt văn hoá tinh thần không thể thiếu. Từ người già đến thanh niên, trẻ nhỏ, ai cũng say mê Sình ca, bởi nó không chỉ là những bài hát giao duyên của trai gái, mà còn là những bài hát ca ngợi sản xuất, hát “phụng” thổ công và thần nông, hát mừng nhà mới, hát ru con, hát đố, hát ghẹo… Qua những làn điệu dân ca, người Cao Lan có thể gửi gắm những tâm tư, tình cảm, ước mơ, nguyện vọng của người lao động với thiên nhiên và thần linh… Mỗi khi có dịp gặp nhau, người Cao Lan hát cho nhau nghe những bài hát ca ngợi cảnh đẹp quê hương, làng bản. Những lúc lao động vất vả, mệt nhọc, họ thường cất lên tiếng hát ca ngợi tinh thần lao động, cầu chúc những vụ mùa tươi tốt. Khi trai gái làm quen hay bén duyên nhau, họ hát những làn điệu dân ca để ngỏ ý giao duyên và hẹn ước…

Để hương sắc bản Ven ngày càng lan tỏa

Hiện nay, để đến với bản Ven, du khách có thể di chuyển thuận tiện trên hệ thống giao thông đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển du lịch nói riêng. Cùng đó, để hỗ trợ người dân tham gia làm du lịch cộng đồng, ngành VHTTDL tỉnh đã quan tâm mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn về làm du lịch cộng đồng cho người dân địa phương, phát hành các ấn phẩm du lịch (sách, tờ rơi, tờ gấp,…), đồng thời thường xuyên tuyên truyền giới thiệu về du lịch bản Ven. Đón nhận những chủ trương của Đảng và nhà nước về công tác phát triển du lịch, nhiều hộ dân bản Ven đã tham gia tích cực vào các hoạt động du lịch cộng đồng như việc gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Cao Lan, tham gia vào quá trình tạo ra các sản phẩm du lịch; thực hành và hoàn thiện kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách du lịch, văn hóa giao tiếp ứng xử … nhằm phát triển du lịch cộng đồng bền vững.

Du khách trải nghiệm bên đồi chè tại bản Ven

Từ những nỗ lực đó, sản phẩm du lịch bản Ven đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách. Hiện nay, bản Ven có 01 khu liên hợp nhà sàn, 01 khu cắm trại, 03 khu nhà nghỉ cộng đồng, 10 nhà sàn dân tộc Cao Lan, 40 nhà kẻ truyền, nhà vườn và các khu dịch vụ của các hộ dân được xây dựng khang trang, sạch sẽ, đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng của hàng trăm du khách mỗi ngày. Về dịch vụ ăn uống, bản Ven hiện nay có 05 nhà hàng ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với các món ẩm thực đậm đà hương vị núi rừng như: Chè xanh bản Ven, chè rừng, chè hoa vàng, xôi nếp cẩm, bánh vắt vai, thịt rừng, thịt lợn hương, thịt dê nướng, gà đồi quay, măng rừng, trám đen, mật ong rừng… Về dịch vụ mua sắm, bản Ven có 06 quầy hàng rất thuận tiện cho việc phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách với các mặt hàng phong phú từ nông sản địa phương.

Thời gian tới, sản phẩm du lịch bản Ven cần tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, giúp cho hương sắc bản Ven ngày càng thăng hoa, lan tỏa, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Phí Trường Giang

Related Post

Sample Plan