Được phát triển bởi Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông

Là tỉnh miền núi trung du thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, lại nằm trên tuyến đường huyết mạch nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang là nơi giao thoa của nhiều miền văn hóa. Điều kiện địa lý, địa hình và sự cộng cư của nhiều thành phần dân tộc đã tạo nên một Bắc Giang đa sắc màu văn hóa.

Là vùng đất cổ, con người đã cư trú ở Bắc Giang từ rất sớm. Các công cụ bằng đá thuộc thời đại đồ đá cũ cách ngày nay chừng 2 vạn năm ở Chũ (Lục Ngạn), Khe Táu, An Châu (Sơn Động), Bố Hạ (Yên Thế) đã chứng tỏ điều đó. Trống đồng Bắc Lý, trống đồng Xuân Giang (Hiệp Hòa) là những di vật văn hóa tiêu biểu mang đậm dấu ấn của văn hóa Đông Sơn. 

 Hát ống ở xã Liên Chung (Tân Yên).   Ảnh: Vương Lâm

Hát ống ở xã Liên Chung (Tân Yên). Ảnh: Vương Lâm

Đặc biệt, việc phát hiện di chỉ khảo cổ học Đông Lâm (Hiệp Hòa) là bằng chứng về sự sinh tồn và phát triển của bộ phận người Việt cổ đã tồn tại cách đây hơn 3 nghìn năm trên đất Bắc Giang. Trải qua những thời đại tiếp nối sau này, các cộng đồng cư dân ở Bắc Giang đã tụ họp thành làng, bản. 

Cuộc sống lao động của con người đã đem lại cho vùng đất này những xóm làng trù phú với những công trình tôn giáo, tín ngưỡng tiêu biểu; những lễ hội dân gian độc đáo, làng nghề thủ công truyền thống và cả những làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc.

Là “phên dậu” của Thủ đô Hà Nội và là một trong “tứ trấn” trọng yếu của đất nước, Bắc Giang đã chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc và cũng để lại trên vùng đất này những di tích lịch sử - văn hoá với nhiều loại hình và giá trị độc đáo. Đó là chùa Đức La - một trong ba “đỉnh” của “tam giác Phật giáo” (Dâu- Yên Tử- Đức La); chùa Bổ Đà với hơn 100 ngôi tháp cổ đã chứng minh cho sự trường tồn của một trung tâm Phật giáo vùng Kinh Bắc.

Bên cạnh đó là những ngôi đình cổ có giá trị kiến trúc nghệ thuật vào bậc nhất nhì trong số các ngôi đình hiện còn lại ở nước ta như: Đình Lỗ Hạnh, đình Phù Lão, đình Hương Câu, đình Thổ Hà... Hay những cụm lăng đá thời Lê độc đáo như: Lăng Dinh Hương, lăng họ Ngọ, lăng Bầu...; rồi thành Xương Giang và các di tích về cuộc chiến đấu chống xâm lược nhà Minh, hệ thống di tích về cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Tiếp đó là những di tích lịch sử cách mạng, tiêu biểu là hệ thống di tích ATK Hiệp Hòa... 

Theo kết quả đợt tổng kiểm kê di tích năm 2007, trên địa bàn tỉnh có 2.237 di tích. Tính đến ngày 31-12-2017, toàn tỉnh có 711 di tích đã được xếp hạng. Gắn liền với di tích là lễ hội. Lễ hội Bắc Giang phong phú về thể loại, nhiều về số lượng, đẹp về hình thức, sinh động về nội dung. Hầu hết các thôn làng ở Bắc Giang, cứ nơi nào có đình, có chùa là nơi ấy có hội. 

Có thể kể ra những lễ hội dân gian có quy mô to lớn và đặc sắc như: Lễ hội Thổ Hà (Việt Yên), hội bơi trải Tiếu Mai (Hiệp Hòa), hội An Châu (Sơn Động), lễ hội đuổi bệt- múa bông ở Hương Tảo (Yên Dũng), hội đền Từ Hả (Lục Ngạn), hội chùa Bổ Đà (Việt Yên), hội chùa Đức La (Yên Dũng)... Lại có những lễ hội dân gian độc đáo chỉ Bắc Giang mới có như hội vật cầu nước làng Vân, xã Vân Hà (Việt Yên). Và cả những lễ hội mới nhưng có sức sống mãnh liệt như hội Yên Thế, lễ hội Xương Giang...

Là vùng trung chuyển sản vật giữa hai miền xuôi ngược, vì vậy thủ công nghiệp ở Bắc Giang xuất hiện từ khá sớm. Theo dòng chảy của thời gian, những nghề thủ công ấy luôn tồn tại và phát triển, không chỉ tạo nên sắc thái văn hoá độc đáo riêng mang tính nghề nghiệp mà còn là nơi bảo lưu, gìn giữ bền vững những tập quán được coi là cổ xưa. 

Ngoài người Việt (Kinh), Bắc Giang là nơi cư trú của nhiều thành phần dân tộc. Trải qua thời gian, các cộng đồng cư dân đã tụ họp thành làng, bản. Cuộc sống lao động của con người đã đem lại cho vùng đất này những xóm làng trù phú giàu truyền thống khoa bảng, những công trình tôn giáo, tín ngưỡng tiêu biểu; những lễ hội dân gian độc đáo và làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc.

Có thể kể ra một số làng nghề tiêu biểu như: Làng gốm Thổ Hà, làng nghề mây tre đan Tăng Tiến, nghề nấu rượu làng Vân (Việt Yên); làng bún Đa Mai- một trong bốn làng nghề làm bún cổ xưa nhất ở miền Bắc; nghề làm bánh đa Kế (TP Bắc Giang)... Nét văn hoá đặc trưng của các làng nghề từ lâu đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của văn học dân gian, làm phong phú và tô đậm thêm bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc.

Nói tới Bắc Giang, chúng ta còn rất tự hào về truyền thống văn hóa và khoa bảng. Thời phong kiến, Bắc Giang có 57 vị đỗ tiến sĩ và hầu hết đều là những ngôi sao sáng được sử sách ghi chép, tiêu biểu là: Trạng nguyên Giáp Hải, Tiến sĩ Thân Nhân Trung... 

Với truyền thống hiếu học, khoa cử ấy, Bắc Giang đã có những làng được gọi là “làng tiến sĩ” như: Làng tiến sĩ Yên Ninh, làng tiến sĩ Song Khê. Và hôm nay, chúng ta cũng rất đỗi tự hào về một làng tiến sĩ thời hiện đại- làng Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa) - một ngôi làng có tới 18 tiến sĩ. Bắc Giang cũng có những vùng được gọi là đất học như: Yên Dũng, Việt Yên, Hiệp Hoà, Lạng Giang…

Người Việt ở Bắc Giang có những câu hát ví, hát ống, hát trống quân; ca trù, quan họ, tuồng, chèo... Những làn điệu dân ca ấy đã làm nên bản sắc văn hóa của người Việt ở Bắc Giang với các làng hát tuồng, làng hát chèo truyền thống. Đó là chèo làng Hạ (Tân Yên), chèo Hoàng Mai (Việt Yên); các làng quan họ như: Mai Vũ, Nội Ninh, Giá Sơn, Hữu Nghi, Thổ Hà, Sen Hồ, Trung Đồng và rất nhiều làng khác nữa....

Từ sau hội nghị văn hoá toàn quốc năm 1946, hoạt động văn nghệ ở Bắc Giang đã trở thành phong trào quần chúng rộng rãi. Nhiều làng, xã thành lập ra những đội văn nghệ, hoạt động với từng loại hình nghệ thuật khác nhau. Cùng đó là kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú của người dân các dân tộc thiểu số.

Đó là: Sli- lượn của người Tày- Nùng, Cnắng cọô của người Sán Chí, Sịnh ca của người Cao Lan, Soọng cô của người Sán Dìu, Páo dung của người Dao, Sơn ca của người Hoa. Cùng với dân ca, dân tộc thiểu số nào ở Bắc Giang cũng có những điệu múa riêng, đặc sắc và đi kèm là các loại nhạc cụ dân gian truyền thống để tạo nên bản sắc văn hoá độc đáo của họ.

Theo thời gian, bức tranh đa sắc màu văn hóa trên vùng đất Bắc Giang luôn được các thế hệ người dân giữ gìn, tô điểm. Để bức tranh ấy ngày càng đẹp hơn, phục vụ tốt hơn cho cuộc sống của mỗi con người, mỗi cộng đồng dân tộc, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa ấy cần phải được thể hiện bằng đường lối chiến lược của Đảng, với các quy hoạch của tỉnh và bằng hành động cụ thể tại mỗi cộng đồng thôn, bản. 

Cùng đó là vận động các tổ chức xã hội và nhân dân tham gia bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hoá nhằm thực hiện có hiệu quả quá trình xã hội hoá các hoạt động văn hóa. Thiết lập các Hành trình di sản văn hóa nhằm tạo khả năng liên kết các di sản văn hóa và tiềm năng du lịch của mỗi địa phương, từ đó tạo nên sự phát triển văn hóa bền vững.

Theo Báo Bắc Giang