Price: Free
Phone: 0916566061
Time to visit a place: 60 phút
Open Time: 7:30 sn. - Close Time: 4:30 gn.
Email: trungtamvhtt_yenthe@bacgiang.gov.vn
Address: thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế Thị trấn Cầu Gồ, Huyện Yên Thế, Tỉnh Bắc Giang
Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám thuộc thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Nơi đây gắn liền với chiến công vang dội của người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám - vị thủ lĩnh áo nâu - đã cùng nhân dân Yên Thế dựng cờ khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp ngót 30 năm (1884 - 1913).
Đây là phong trào khởi nghĩa nông dân lớn nhất, dài nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ta trước khi có Đảng lãnh đạo.
Khu di tích lịch sử văn hoá về cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế đã tạo thành một quần thể di tích lịch sử có giá trị to lớn. Với 23 điểm di tích, hầu hết là những đồn lũy, đình, đền, chùa, miếu trải rộng trên địa bàn 4 huyện (Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên và Yên Dũng). Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế là bằng chứng thuyết phục cho tinh thần quả cảm, bất chấp hy sinh của nghĩa quân Đề Thám nhằm giành lại độc lập, tự do. Để ghi nhận, tôn vinh những giá trị và ý nghĩa đặc biệt đó, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 548/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với khu di tích này, trong đó huyện Yên Thế có 9 điểm gồm: đồn Phồn Xương, đồn Hố Chuối, chùa Lèo, đình Dĩnh Thép, chùa Thông, đồn Hom, động Thiên Thai, đền Cầu Khoai và Đền Thề. Trong đó, trung tâm của cuộc khởi nghĩa là Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám thuộc thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
1. Đền Thề
Phía trước chúng ta là Đền Thề. Ngôi đền được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 bằng tranh, tre, nứa, lá. Năm 1897, khi cuộc hòa hoãn lần thứ 2 giữa thực dân Pháp và nghĩa quân Yên Thế diễn ra tại đây, Đề Thám đã cho tu sửa lại ngôi đền có kiến trúc bằng gỗ lim như chúng ta thấy ngày nay. Kiến trúc này đến nay may mắn vẫn còn giữ nguyên vẹn.
Sau khi sửa sang lại, Đề Thám thường dùng nơi này mở hội nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Đặc biệt, nơi đây ông thường làm nơi quy nạp nghĩa quân, chiêu mộ nhân tài. Trước mỗi trận đánh, ông thường cho nghĩa quân tập trung uống rượu cắt máu ăn thề tại đây.
Tháng 5/2012, thủ tướng chính phủ kí quyết định công nhận 23 điểm di tích của cuộc khởi nghĩa Yên Thế là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt và ngôi đền Thề là 1 trong 23 diểm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đó.
2. Tượng đài Hoàng Hoa Thám
Nằm ngay sau ngôi đền Thề là tượng đài người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám. Tượng lúc đầu được làm bằng bê tông, sau chuyển sang chất liệu đồng vào năm 2013 do tác giả Anh Vũ – Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Giang sáng tác năm 1984.
Tượng cao 5,07m, diện tích bề mặt 31m2, dày bình quân 2,0cm; bệ tượng có kích thước 2,1x2,1m, cao 0,32m, diện tích bề mặt 7m2, độ dày bình quân 2,5cm. Tượng có trọng lượng trên 7 tấn đồng nguyên khối, với trị giá trên 4 tỉ đồng, và hầu hết số tiền làm tượng là do xã hội hóa.
3. Nhà trưng bày khởi nghĩa Yên Thế
Hạng mục tiếp theo trong khu di tích mà bất kể du khách nào đến đây không thể không ghé qua đó là Nhà trưng bày khởi nghĩa Yên Thế. Nhà trưng bày được xây dựng năm 1984, lúc đầu có kiến trúc là 1 tầng. Sau này được xây dựng và tu sửa lại và có kiến trúc 2 tầng như ngày nay. Tầng 1 trưng bày một góc dân tộc học huyện Yên Thế. Tầng 2 trưng bày những hình ảnh, hiện vật của cuộc khởi nghĩa YT, 1 cuộc khởi nghĩa tự phát của nông dân tiêu biểu nhất, quy mô nhất và kéo dài nhất của dân tộc ta vào cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20 truớc khi có Đảng CSVN ra đời.
4. Đồn Phồn Xương
Đồn Phồn Xương còn có tên gọi là Đồn Gồ, Đồn Cụ, đuợc xây dựng năm 1894, trấn giữ con đường độc đạo đi vào căn cứ nghĩa quân. Đây chính là đại bản doanh chính của nghĩa quân Yên Thế, là thủ phủ của cuộc khởi nghĩa, nơi bắt đầu để mở mang phong trào ra các địa phương. Đề Thám cho xây dựng Đồn Phồn Xương vừa là nơi ăn ở, sinh họat của gia đình Đề Thám cũng như của nghĩa quân, đồng thời đây cũng là nơi gặp gỡ, đàm đạo giữa Đề Thám và các anh hùng đương thời để bàn việc đánh giặc cứu nước (như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên, Kỳ Đồng…). Đặc biệt, đây là nơi diễn ra cuộc hòa hoãn lần thứ 2 giữa nghĩa quân Yên Thế và giặc Pháp.
Sau khi cuộc khởi nghĩa kết thúc, nguời dân Yên Thế đã xây dựng đền Bà Ba - vợ ba Hoàng Hoa Thám trong đồn Phồn Xương nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Bà trong cuộc khởi nghĩa.
5. Lễ hội Yên Thế
Lễ hội Yên Thế được tổ chức vào ngày 15, 16,17 tháng 3 dương lịch hàng năm. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh Bắc Giang. Lễ hội là dịp để nhân dân bày tỏ lòng tôn kính cũng như tưởng nhớ công ơn Hoàng Hoa Thám, vị tướng tài năng, người thủ lĩnh tối cao của phong trào nông dân Yên Thế và nghĩa quân đã chiến đấu chống thực dân Pháp. Năm 2013 lễ hội Yên Thế đã được Nhà nứơc công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.