Được phát triển bởi Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông

Khai thác tiềm năng du lịch văn hóa ở Song Vân

30/07/2024 1901 0

Nếu có dịp đến với vùng đất cổ Song Vân (xưa thuộc xã Vân Cầu, tổng Vân Cầu, phủ Yên Thế), nay là xã Song Vân (huyện Tân Yên) khi mùa xuân về, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những di tích đã đi vào lịch sử như một chứng tích của vùng đất oai hùng mà còn được hòa mình vào lễ hội làng Vồng mang đậm sắc thái văn hóa vùng miền, tận mắt chứng kiến các trò chơi dân gian được lưu truyền, tái hiện trong dịp lễ hội hay trải nghiệm không khí lao động hăng say của người dân nơi đây, đắm chìm bên những vườn cây trái xum xuê… Tất cả tạo nên một bức tranh sinh động mà bất kỳ ai đã đến đây đều thích thú.

Theo di ngôn của các bậc cao niên trong làng, từ thế kỷ XVI, làng Vồng đã khởi dựng khu di tích riêng gọi chung là khu di tích đình Vồng (gồm đình, đền, chùa, nghè, Cầu Vồng, ngòi Vồng) thờ thần Cao Sơn, Qúy Minh và tổ chức sự lệ vào các dịp xuân thu nhị kỳ. Cũng vào thời gian này, nơi đây có dòng họ Dương với ba vị thủ lĩnh tài giỏi là cụ Dương Quốc Nghĩa, Dương Hùng Lượng, Dương Quốc Công tụ nghĩa giúp triều Mạc nên được triều đình trọng dụng, anh tài kéo về, tiếng vang truyền mãi với câu ca "trai Cầu Vồng, Yên Thế" là xuất phát từ đây. Khi mất, ba cụ được nhân dân dựng nghè ở cùng khu đình để thờ, vì thế trong ngày hội đình Vồng có tục tế ngựa rước sắc Quận công về đình cùng phối thờ. Năm 1953, lễ hội phải tạm dừng do chiến tranh, tới năm 1998 được mở trở lại, khí thế hùng dũng, tế lễ trang nghiêm, trò vui phong phú... nhất là tục tế ngựa độc đáo không nơi nào có đã khiến cho tiếng vang của lễ hội đình Vồng ngày một bay xa. Năm 2012, khu di tích đình Vồng là một trong 23 điểm di tích thuộc hệ thống di tích "Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế" được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt tại đình Vồng

Quần thể di tích đình, đền, chùa, nghè Vồng là những công trình kiến trúc cổ của một vùng quê có lịch sử lâu đời và nổi tiếng về truyền thống thượng võ. Cụm di tích không những lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa vật thể mà còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện gắn với quá trình đấu tranh bảo vệ quê hương của những người dân vùng đất Vân Cầu. Đặc biệt đây là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử gắn liền với cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo ngay từ buổi ban đầu. Tại khu di tích này, các tướng lĩnh và nghĩa quân Yên Thế thường làm lễ tế cờ mỗi khi xuất trận…
Một trong những điểm nổi bật về du lịch văn hóa ở Song Vân là lễ hội đình Vồng với màn tế ngựa ấn tượng, đặc sắc cùng bài văn tế độc đáo mang đậm tinh thần thượng võ của người dân Cầu Vồng những năm cuối thế kỷ XIX. Tiếp sau phần lễ là phần hội được diễn ra sôi nổi ở khu vực quanh di tích và các vùng lân cận với những trò chơi dân gian truyền thống: đấu vật, thi bắn cung nỏ, đua ngựa, thả diều, phóng điểu, thi thổi cơm… thu hút đông đảo nhân dân trong vùng cùng du khách thập phương về dự hội tham gia.

 

Tái hiện nghi lễ "Tế ngựa" trong lễ hội đình Vồng

Đến với lễ hội đình Vồng du khách còn được trải nghiệm nét văn hóa ẩm thực độc đáo. Những món ăn tưởng chừng như dân dã nhưng với bàn tay khéo léo của người dân nơi đây đã trở thành đặc sản như tương, bánh gio, nem chạo, nem chua… Song Vân còn là vùng quê trù phú với các vườn cây trĩu quả, rau màu tốt tươi: bưởi, ổi, ngô, bầu, cà chua... Đây cũng chính là tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch sinh thái. Không chỉ đến để tham quan, du khách còn có cơ hội thưởng thức, mua về các đặc sản đã đi vào ca dao, tục ngữ: "Tiền tổng Mọc, thóc tổng Lan; cá Chản Thương, tương Vân Cầu; bầu chợ Lữ, chữ Đông Ngàn"…

Di tích là tài nguyên du lịch không thể thay thế, cho nên cần giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn di tích và phát triển du lịch theo hướng bền vững, tôn trọng di tích gốc. Ở Song Vân có lợi thế khi là một trong những địa phương có di tích quốc gia đặc biệt gắn với phong trào Khởi nghĩa Yên Thế, do vậy cần đẩy mạnh liên kết giữa những di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa này với các địa phương trong huyện như: Khu lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám, đình Cao Thượng, đình làng Chuông, chùa Phố, đền Gốc Dẻ, đền thờ Cả Trọng, đồi Phủ-nghĩa địa Pháp; hoặc liên kết với các địa phương trong tỉnh, hình thành các tour, tuyến du lịch chung: Tân Yên-Yên Thế-Việt Yên-Yên Dũng… Có như vậy mới có thể sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả và nhân văn nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa mà cha ông để lại và đưa du lịch dần trở thành ngành kinh tế, gắn phát triển du lịch với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc, Song Vân đang chuyển mình và có bước phát triển về kinh tế-xã hội, diện mạo nông thôn mới ngày một thay da đổi thịt. Tuy nhiên, trên mảnh đất này vẫn còn đó những công trình văn hóa, tín ngưỡng bền bỉ với thời gian như một nốt trầm để níu kéo lòng người trở về nguồn cội, về với những giá trị xưa cũ nhưng mang đậm bản sắc văn hóa làng xã và cũng là văn hóa đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đi qua dặm dài năm tháng, những di sản ấy còn mang trên mình nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa, khoa học, tư tưởng. Vậy nên tin rằng với những thế mạnh và tiềm năng sẵn có, nếu có chiến lược cụ thể hơn trong công tác phát triển du lịch chắc chắn tiềm năng du lịch của Song Vân sẽ được đánh thức và phát triển trong những năm tới./.

 

Ngô Thu Hường

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu