Được phát triển bởi Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông

Khai thác giá trị của lễ hội truyền thống cho phát triển du lịch

08/08/2022 1736 0

Cùng với các di sản văn hóa khác, lễ hội văn hóa truyền thống được coi là một trong những nguồn lực quan trọng tạo sức hút lớn đối với du lịch gắn với sản phẩm du lịch văn hóa đa sắc màu đặc trưng của từng vùng miền hấp dẫn đông đảo du khách hiện nay.

Lễ hội Tiên Lục, ảnh Văn Dương

Lâu nay, giữa cuộc sống hối hả tấp nập của xã hội đương đại con người ta lại  hướng về cái “ cổ - yếu tố truyền thống”, yêu thích, ưa chuộng nó và coi nó là một trong những liệu pháp tinh thần quan trọng trong đời sống thường ngày. Chính vì vậy, lễ hội truyền thống lại một lần nữa được đẩy lên một vị thế mới vừa hấp dẫn vừa tạo sức hút đối với cộng đồng.

Đã từ lâu, lễ hội truyền thống được coi như là mạch nguồn tâm linh kết nối quá khứ với hiện tại. Đó là sự tổng hợp uyển chuyển của cái linh thiêng và cái trần thế  mà  khó có gì thay thế được. Trong tâm thức của cộng đồng dân tộc, không gian lễ hội vừa rất thực, rất đời lại vừa mang sắc màu tâm linh huyền bí; Lễ hội là dịp để cộng đồng tưởng nhớ đến công đức của lớp lớp thế hệ cha ông đi trước với những công lao hiển hách; là dịp con người ta thể hiện nhu cầu tự do tín ngưỡng, chiêm ngưỡng tìm hiểu những nét đẹp truyền thống văn hoá độc đáo của mỗi vùng miền. Đến với các dịp lễ hội, bản thân mỗi chúng ta có thể tạo ra và tìm thấy sự đồng cảm, lòng yêu thương lẫn nhau, mọi người thoả sức vui chơi, giải trí tìm ra cho chính mình những cảm xúc thăng hoa khác với cuộc sống đời thường trong không gian vừa “Đời”, vừa “ Linh” đó. Vì những lẽ đó, các lễ hội truyền thống đã  và đang ngày một thu hút lượng khách du lịch tương đối lớn hàng năm.

Lễ hội vật cầu bùn Làng Vân, ảnh Tiến Dũng

 Theo nghiên cứu thấy rằng bản chất của du lịch là đi và tìm đến những thứ mới lạ, hấp dẫn. Bởi đó đến với mỗi lễ hội với những sắc màu văn hóa khác nhau, du khách được trải nghiệm và hòa mình vào không gian văn hóa đa dạng thú vị đó. Cũng vì lẽ đó, lễ hội dân gian vốn đã gắn bó với người dân lại có dịp mở rộng, phát triển hơn nữa về cả hình thức nội dung và tầm ảnh hưởng đến với cộng đồng dân cư. Nó ngày càng trở thành một nguồn lực quan trọng kích cầu du lịch; hỗ trợ hiệu quả cho sự tăng trưởng của ngành du lịch địa phương góp phần làm bức tranh du lịch từng vùng miền thêm phong phú hấp dẫn, đa dạng cho du khách lựa chọn để trải nghiệm trong chuyến hành trình của mình. Đặc biệt trong mối tương tác đó, cũng chính nhờ sự phát triển của du lịch mà các lễ hội dân gian cũng ngày càng được gìn giữ phát huy làm giàu phong phú thêm nét sinh hoạt văn hoá, phong tục tập quán, các giá trị văn hoá từng vùng miền.

Cũng như nhiều vùng quê khác, Bắc Giang cũng là một trong những vùng đất cổ với nhiều lễ hội truyền thống văn hóa gắn với những nét độc đáo, đặc sắc riêng có của con người và vùng đất nơi đây. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có khoảng  779 lễ hội được tổ chức. Nhiều lễ hội được tổ chức có quy mô lớn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham dự như: Lễ hội Thổ Hà, lễ hội chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên); lễ hội Yên Thế; lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng); lễ hội Y Sơn (huyện Hiệp Hòa); lễ hội Đình Vồng (huyện Tân Yên); lễ hội đền Suối Mỡ (huyện Lục Nam); lễ hội Xương Giang (thành phố Bắc Giang); lễ hội Tiên Lục (huyện Lạng Giang); lễ hội Tây Yên Tử (huyện Sơn Động),... Ngoài ra, trong những năm qua, tỉnh đã tiến hành điều tra, nghiên cứu, bảo tồn một số lễ hội tiêu biểu của đồng bào các dân tộc trên địa bàn như: Bảo tồn lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai, lễ hội Y Sơn (Hiệp Hoà); lễ hội Tòng Lệnh, lễ hội đền Suối Mỡ (Lục Nam); lễ hội bơi chải An Châu (Sơn Động); lễ hội Đình Vồng (Tân Yên); lễ hội Từ Hả (Lục Ngạn)…. Tất cả tạo nên một nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch gắn với loại hình du lịch lễ hội tâm linh - một sản phẩm được đánh giá là thế mạnh của địa  phương hiện nay.

Lễ Hội Xương Giang- Thành Sơn

Thực tế theo thống kê trong các mùa lễ hội của Bắc Giang đã thu hút hàng vạn lượt khách thập phương về trẩy hội và khám phá nét độc đáo về vùng đất và con người nơi đây. Có thể khẳng định du lịch văn hoá nói chung, du lịch lễ hội nói riêng chính là điểm nhấn là một trong những sản phẩm thế mạnh thu hút khách của du lịch Bắc Giang. Hơn thế, nó còn đóng vai trò làm đòn bẩy kích cầu tạo hiệu ứng cùng phát triển với nhiều loại hình du lịch khác đặc biệt loại loại hình du lịch tâm linh

Với chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; đồng thời tăng cường công tác bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc; khôi phục các nghi lễ, trò chơi dân gian truyền thống đặc sắc…sẽ tiếp tục phát huy việc khai thác lễ hội truyền thống để kích cầu du lịch; vừa là một trong những giải pháp quan trọng góp phần gìn giữ và bảo tồn, phát triển bản sắc di sản văn hoá dân tộc nói chung và di sản văn hoá miền quê Bắc Giang nói riêng./.

Hà Bộ

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu