Được phát triển bởi Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông

HƯƠNG VỊ TẾT BẮC GIANG QUA CÁC NGHỀ TRUYỀN THỐNG

26/12/2022 816 0

Theo phong tục truyền thống, những ngày Tết ở Bắc Giang nghi lễ cúng bái tổ tiên, trời, đất… là phần quan trọng được người dân duy trì và thực hiện một cách trang nghiêm, thành kính để bày tỏ lòng thành tạ ơn trời đất, tổ tiên đã phù hộ độ trì cho công việc suôn sẻ trong một năm qua. Cứ vào dịp Tết, từ làng quê, thôn, bản, đến phố thị đều tấp nập những hoạt động nghề truyền thống phục vụ Tết. Các làng nghề trồng hoa, cây cảnh Tết, vùng trái cây Lục Ngạn thì tất bật vun trồng, cắt tỉa, các gia đình làm hương trầm của đồng bào dân tộc cũng tất bật suốt ngày để chuẩn bị nguyên liệu, nghề làm bánh kẹo chè lam, chè kho ở Đa Mai, Mỹ Độ, TP Bắc Giang cũng bận rộn với nguyên liệu, gia vị, những lò nấu rượu thủ công của làng Vân thì đỏ lửa suốt ngày để cho ra những mẻ rượu thơm ngon phục vụ Tết tạo nên không khí ấm cúng xua đi cái lạnh giá của mùa đông xứ Bắc.

Nhu cầu lễ vật của người dân chuẩn bị cho trước, trong và sau Tết là rất lớn. Trước Tết, có các lễ cúng Tổ nghề, cúng tất niên gia đình, cúng ông Công ông Táo. Ngày Tết có lễ cúng tất niên, cúng giao thừa, cúng Tết nhà, cúng Thổ Công, cúng đầu năm. Sau ba ngày Tết có lễ cúng hoá vàng, cúng khai Xuân mở hàng, cúng rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu) và hội đình làng bởi lễ Xuân tế. Chính những lễ cúng đó mà các làng nghề sản xuất hương trầm, nấu rượu làng Vân, làng hoa cây cảnh, vùng hoa trái cây Lục Ngạn, chè kho Mỹ Độ, chè lam Đa Mai, các gia đình sản xuất vàng mã nhỏ lẻ…dần dần đã tạo nên nét văn hoá truyền thống cho hương vị Tết Bắc Giang qua các nghề truyền thống.

Nghề làm hương của đồng bào dân tộc Nùng, thôn Ba Lều, xã Biển Động, bản Bắc Hoa, xã Tân Sơn (Lục Ngạn) có từ lâu đời và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cách làm hương của đồng bào dân tộc Nùng khác hẳn với cách làm hương của người Kinh. Từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khi ra thành phẩm hoàn toàn mang tính thủ công thuần tuý, không có sự can thiệp của bất kỳ công cụ, thiết bị máy móc nào. Nguồn nguyên liệu dùng để làm hương được đồng bào khai thác từ trên rừng. Khi tiết trời giao mùa chuyển từ mùa Xuân sang mùa Hạ là thời điểm thuận lợi nhất để người dân vào rừng tìm những gốc cây, cành cây mục mang về làm bột hương. Theo kinh nghiệm truyền lại đồng bào thường chọn những cây có nhựa thơm như thông, trám, sau sau để làm nguyên liệu… bột hương khi cháy sẽ có mùi thơm. Do là bột của cây gỗ thơm trong rừng nên bột rất mịn lại có mùi hương thơm của cây cỏ tự nhiên nên rất dễ chịu và không có hại cho sức khoẻ.Về kinh nghiệm làm hương, bà Hoàng Thị Bạ thôn Ba Lều cho biết: Khi làm hương, đồng bào dùng cây lá khíu làm chất kết dính. Loại lá này có đặc tính kết dính cao, đặc biệt khi cho vào nước. Khi làm bột hương được trộn với bột lá khíu để tạo độ kết dính theo tỷ lệ một phần bột lá khíu với 8 phần bột hương. Bó que hương trước khi được rắc bột sẽ được nhúng vào nước cho ướt. Que hương định ăn bột đến đâu thì nhúng nước đến đó. Sau đó nhúng vào đống bột hương, dùng tay lật trở lên, xuống đều tay cho bột bám vào que tre, cứ làm như vậy 5 lần thì được. Que hương tròn và đều hay không phụ thuộc vào đôi tay khéo léo và kinh nghiệm của người làm hương. Sau khi que hương được se bột xong sẽ đem phơi ở nơi thoáng mát, tránh phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời để hương khỏi bị dạn nứt, khi đốt hay bị tắt.

Ngày nay tại thôn Ba Lều, bản Bắc Hoa vẫn còn số ít gia đình làm hương truyền thống,  hy vọng nghề thủ công truyền thống này sẽ không bị mất đi mà được trao truyền cho thế hệ con cháu nối tiếp, để mỗi khi Tết đến Xuân về bên những tay nải màu chàm vẫn thấp thoáng những bó hương đen của đồng bào dân tộc Nùng mang xuống chợ phiên bày bán. Đó cũng là bản sắc, nét văn hoá độc đáo riêng cho phiên chợ Tết vùng cao ở Bắc Giang.

Nghề trồng hoa cây cảnh ở một số làng quê như làng Kế, xã Dĩnh Kế, thôn Núi, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang), làng Then xã Thái Đào, huyện Lạng Giang, thôn Nghĩa Hạ, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên…. Hoa Xuân Tết ở Bắc Giang muôn màu, muôn sắc như: hoa đào, mai, cúc, dơn, lay ơn, đồng tiền, ly, lan, hồng….Mỗi loài hoa đều có vẻ đẹp và giá trị tâm linh riêng khi dâng cúng trong ngày Tết điểm xuyết cho mỗi gia đình một cái tết đầy màu sắc. Các làng nghề trồng hoa thường tập trung nhiều ở thành phố, vùng phụ cận, các thị trấn tạo nên một không gian xanh tô điểm cho vẻ đẹp của thành phố và các làng quê mỗi độ Tết đến xuân về. Vùng Dĩnh Kế, Dĩnh Trì trồng đào Tết để thoả mãn thú chơi hoa và tăng thêm thu nhập. Đào được coi là biểu tượng mùa xuân, mỗi khi xuân về, những cây đào lại đua nhau nở hoa, khoe sắc. Vào dịp Tết, đào Dĩnh Kế, Dĩnh Trì được mang đi tiêu thụ ở nhiều nơi trong tỉnh và một số địa phương như Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Thái Bình.... Để có được những cây đào đẹp, người nông dân cũng phải tần tảo sớm khuya, vun xới, tỉa cành, tạo thế, đi tìm mua đào rừng về ghép mắt, uốn thế để có những gốc đào đẹp. Mặc dù ngày nay thị trường hoa Tết ở Bắc Giang rất phong phú với các loại hoa ngoại nhập. Thế nhưng những người trồng hoa Tết họ vẫn giữ lại nghề truyền thống để phục vụ cho người dân trong việc cung cấp các loài hoa cúng cũng như hoa trang trí nghệ thuật trong những ngày Tết.

Nghề làm chè kho ở Mỹ Độ, thành phố Bắc Giang hay còn gọi là chè đỗ đãi nức tiếng thơm ngon xưa nay.Vào ngày tết, món ăn truyền thống này trở thành lễ vật quan trọng dâng lên tổ tiên và cũng là món quà ý nghĩa biếu tặng cho những người thân. Chè kho Mỹ Độ là món ăn dân dã nhưng hương vị đậm đà, thanh mát khó quên. Chè có màu vàng óng - màu của đỗ với những hạt vừng tấm trắng rang thơm được rắc lên mặt đĩa. Hương đậu xanh, hạt vừng, vị ngọt thanh của đường kính, chất đậm đà của đậu xanh hòa quyện vào nhau đã tạo nên sự đặc trưng cho món ăn. Để có một đĩa chè đỗ đãi thơm ngon như ý phải trải qua nhiều công đoạn. Trong đó việc đầu tiên là phải chọn nguyên liệu tốt, mảnh đỗ phải đều, đẹp. Trước khi nấu chè, đỗ xanh phải được ngâm nước khoảng 3 tiếng rồi đem ra đãi sạch lớp vỏ và tạp chất. Sau đó cho đỗ vào nồi, đổ nước xâm xấp và nấu, lúc này người nấu cần điều chỉnh cho ngọn lửa vừa phải, lửa to nồi chè dễ bén, lửa nhỏ đỗ sẽ sượng, không chín đều cũng coi như hỏng nồi chè. Đun cho đến khi sôi thì vớt hết lớp bọt phía trên bỏ đi, tiếp tục đun tới khi đỗ nhuyễn, đặc sánh thì cho đường, cộng thêm một lượng nhỏ mỡ để chè được ngon và róc khi múc ra đĩa. Khâu nấu chè quyết định phần lớn đến chất lượng sản phẩm. Chè nấu xong được múc ra đĩa khi còn nóng, người múc chè cần khéo tay để đổ đều tay quay tròn trên đĩa cho chè thành khuôn, phẳng tròn và láng bóng, khi dùng chè sẽ được cắt thành từng miếng nhỏ hình tam giác. Ngày Tết, được sum vầy bên gia đình, cùng nhau thưởng thức món chè đỗ đãi Mỹ Độ thơm ngon, bùi béo làm tăng thêm hương vị Tế cổt truyền dân tộc.

Nghề làm chè lam Tết ở Đa Mai, thành phố Bắc Giang cũng là một trong những đặc sản nổi tiếng bởi hương vị ngọt bùi, thơm dẻo, ngon. Bánh chè lam là một trong những món ăn đặc sản truyền thống của người dân Bắc Giang với hương vị thơm ngon, ngọt thanh của mật mía, thơm bùi của lạc rang hòa quyện với vị cay ấm của gừng tươi. Làng nghề Đa Mai có nhiều cơ sở sản xuất bánh chè lam ngon, được nhiều người biết đến, chè lam Đa Mai còn xuất đi các tỉnh và làm quà biếu Tết. Theo các nghệ nhân làng nghề cho biết: nguyên liệu để làm bánh chè lam được chọn lọc kỹ, cẩn thận bao gồm: Gạo nếp, mạch nha, đường, vừng, lạc, gừng và một số hoa quả để tạo màu như quả gấc, trà xanh...Điểm nổi bật tạo nên hương vị bánh chè lam ngon không lẫn với các nơi khác là bởi gạo nếp được cho vào quả nổ bằng gang, sau đó quay đều tay quả nổ trên bếp lửa để gạo được chín từ từ, đủ độ rồi mang bỏng đó đi nghiền tạo thành bột. Mọi công đoạn để làm ra bánh chè lam đều được người thợ lành nghề làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, tỉ mỉ và nhẫn nại.Từ những nguyên liệu đơn giản gắn bó với đời sống nông nghiệp người dân, những người thợ lành nghề đã tạo nên món bánh chè lam rất đậm đà, nồng ấm mà tinh tế, trở thành thứ quà quê mà ăn vào sẽ nhớ mãi bởi những đặc trưng riêng, chứa đựng hương vị đời thường, dân dã. Trong những ngày Tết được thưởng thức bánh chè Lam cùng chén chà nóng sẽ xua đi cái lạnh giá của mùa đông tăng thêm hương vị ngày Tết.

Nghề nấu rượu làng Vân ở Vân Hà có từ lâu đời. Năm Chính Hoà thứ 24 (1703) dân làng Vân được sắc phong cho Thành Hoàng là thượng đẳng Thần. Các kỳ lão lên kinh rước sắc có đem 3 bình rượu tiến vua, được vua Lê và triều thần khen tặng cho bốn chữ: “Vân hương kỳ tửu”. Từ đó rượu Vân càng nức tiếng trong cả nước. Từ xưa tới nay ở làng Vân vẫn có tục thờ Thánh sư nghề nấu rượu. Tương truyền tổ nghề được thờ là bà Nghi Điệt- chính thất của vua Vũ Vương. Vì Vũ Vương thích rượu ngon nên bà đã tìm ra cách pha chế được một loại men quý để cất rượu. Sau đó bà truyền nghề cho dân làng Vân, ghi nhớ công ơn, hằng năm vào ngày 7 tháng Giêng, làng Vân mở hội ghi nhớ về tổ nghề, vị Thánh Sư đã truyền nghề cho dân.  

Từ xa xưa nghề nấu rượu làng Vân có bí quyết riêng cho nên rượu Vân rất ngon. Để giữ nghề, làng Vân có quy ước riêng cho nghề nấu rượu. Theo quy định của làng, không cho con gái lấy chồng nơi khác hoặc một số gia đình không truyền nghề cho con gái. Hằng năm vào tháng Giêng làng Vân có tục ăn thề. Mỗi nhà phải cử một người ra chùa Dộc uống rượu máu ăn thề, nguyền phải giữ bí quyết nghề tổ, không được truyền cho người ngoài làng, kể cả con gái. Lễ ăn thề được diễn ra ở chùa Dộc vào một ngày xấu nhất (ngày thụ tử) trong tháng Giêng. Lễ vật ăn thề có: một cơi trầu, một be rượu trắng ngon, một con gà trống trắng, tất cả đều được đặt trên ban thờ Phật thắp hương, sau đó cắt tiết gà hoà với rượu. Một người có chất giọng tốt đọc bài minh thệ, đọc xong thì uống rượu sau đó tất cả những người có mặt cùng nhau uống rượu thề.

 Để có được sản phẩm rượu thơm ngon nổi tiếng, quy trình nấu rượu làng Vân phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao. Mặt khác nghề làm rượu phải hội được cái duyên tam hợp, thiên, địa, nhân. Đó là sự hoà hợp tự nhiên của men, gạo, nước và tay nghề. Để cho ra đời những chum rượu ngon thì phải trải qua quy trình phức tạp và khó khăn như kỹ thuật chọn gạo, nấu cơm rượu, ủ men, trưng cất rượu. Hiện nay làng Vân sản xuất các loại rượu ngon như: rượu gạo tẻ, rượu nếp cái hoa vàng, rượu hoa cúc để phục vụ khách trong và ngoài nước, đặc biệt rượu Vân còn là món quà biếu Tết đậm chất hương vị quê hương.

Hiện nay, một số làng nghề truyền thống phục vụ Tết đã mất dần vai trò của nó, tuy nhiên trong các phiên chợ Tết vùng cao chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh những tay nải màu chàm thấp thoáng những bó hương đen của đồng bào dân tộc Nùng mang xuống chợ phiên bày bán. Những người dân từ các làng hoa ven thành phố đều tham gia hội chợ hoa xuân Tết trước Quảng trường 3 tháng 2 TP Bắc Giang, món chè kho, bánh chè lam, rượu làng Vân vẫn xuất hiện trong mâm cỗ cúng những ngày Tết. Đó cũng là tín hiệu vui, hy vọng rằng, ngoài một số làng nghề phục vụ nhu cầu Tết còn tồn tại cho đến nay thì những nhà nghiên cứu cũng cần có những đề tài tìm hiểu phục hồi lại những làng nghề phục vụ Tết đã bị mai một theo năm tháng, để Tết của người dân Bắc Giang mãi giữ được hương vị Tết truyền thống dân tộc.

                                                                             Đồng Ngọc Dưỡng

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu