Được phát triển bởi Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông

Bắc Giang: Điểm đến du lịch thân thiện và hấp dẫn

09/01/2019 7620 0
Tỉnh Bắc Giang có nhiều lợi thế về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, các sản phẩm du lịch độc đáo. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang đang tạo nên những điểm nhấn trong diện mạo du lịch miền Bắc.

Làng cổ Thổ Hà

Trong hành trình tìm hiểu di sản, di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh Bắc Giang, với nhiều du khách làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên là một điểm đến hấp dẫn. Ngôi làng cổ hiện diện không gian truyền thống của một làng Việt cổ với cây đa, bến nước, sân đình. Trước năm 1960 làng Thổ Hà nổi tiếng về nghề làm gốm, từ năm 1990, nơi đây nổi tiếng về nghề làm bánh đa nem và mỳ gạo.

Bên dòng sông Cầu thơ mộng, bước qua những cổng làng xưa cũ, du khách cảm nhận nét cổ kính của Thổ Hà qua đình làng, chùa cổ, những ngõ xóm cổ, văn chỉ, cây đa cổ thụ, bến nước, đến thăm lò sản xuất gốm, các gia đình sản xuất bánh đa nem và mỳ gạo bằng máy và thủ công, thăm các gia đình nấu rượu gạo… những giá trị văn hóa đặc sắc ở vùng đất bờ Bắc sông Cầu hòa quyện tạo lên một Thổ Hà đậm đà bản sắc.

 

Làng cổ Thổ Hà bên bờ Bắc sông Cầu.

Dấu ấn nghề gốm Thổ Hà lưu dấu trên những bức tường nhà bằng gốm

hay tiểu sành phế phẩm.

 

Di sản văn hoá Quan họ

Nằm trong không gian văn hóa “Di sản văn hóa phi vật thể” đại diện của nhân loại vùng Kinh Bắc, 5 làng Quan họ cổ ở bờ Bắc sông Cầu, tỉnh Bắc Giang hội tụ những không gian sinh hoạt, lề lối và phong tục chơi Quan họ lâu đời. Trong số 49 làng Quan họ cổ được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể” đại diện của nhân loại có 5 làng thuộc huyện Việt Yên (Bắc Giang) đó là các làng Hữu Nghi, Giá Sơn, Nội Ninh, Mai Vũ và Sen Hồ.

Theo các nhà nghiên cứu, không gian quan họ ở bờ Bắc sông Cầu rất rộng lớn, lưu giữ nhiều giá trị đặc sắc của Di sản văn hoá Quan họ với hơn 200 làn điệu Quan họ cổ và hàng ngàn bản đang lưu giữ trong nhân dân. Riêng huyện Việt Yên có 130 nghệ nhân có thể hát Quan họ đúng bài bản với những niêm luật và lối hát của lề lối Quan họ cổ, cùng đó hàng trăm cụ ông, cụ bà có độ tuổi từ 70 đến gần 90 vẫn hát và trao truyền Quan họ cho thế hệ trẻ.

 

Các liền anh liền chị trong điệu hát mời nước, mời trầu để thể hiện tình cảm, sự trọng thị của chủ với khách trước khi bắt đầu canh hát Quan họ.

Canh Quan họ cổ tại đình làng Thổ Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang).

Du khách tham quan tìm hiểu hát Quan họ - “Di sản văn hóa phi vật thể” đại diện của

nhân loại vùng Kinh Bắc.

Đến thăm làng Thổ Hà du khách có thể đồng thời đến thăm hai địa điểm du lịch nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa, đó là chùa Bổ Đà và đền Bà Chúa Kho. Các địa điểm này chỉ cách nhau từ 3 đến 5 km.

 

Chùa Bổ Đà

Chùa Bổ Đà một trung tâm Phật giáo lớn xây dựng vào thời Lê (thế kỷ XVIII), chùa Bổ Đà là một trong những di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang, ngôi chùa có lối kiến trúc “nội thông ngoại bế” tạo vẻ u tịch, thanh vắng và huyền thoại, xung quanh chùa là đồi núi xóm làng bao bọc.

Vãn cảnh chùa, du khách được hoà mình vào thiên nhiên thơ mộng, huyền bí, có thể nghiên cứu, tìm hiểu những giá trị lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật, tôn giáo qua hệ thống các tài liệu, tượng Phật, câu đối, đại tự, sách kinh Phật, các bộ hương án, đồ thờ… có giá trị lịch sử, văn hoá hiếm thấy ở những ngôi chùa khác.

Đặc biệt, chùa Bổ Đà có một vườn tháp cổ, với gần 100 ngôi tháp. Các ngôi tháp này có chứa xá lị, tro cốt của hơn 1.200 nhà sư tu hành. Vườn tháp chùa Bổ Đà được đánh giá là đẹp và lớn nhất Việt Nam và cũng là vườn tháp cổ lớn nhất trong các cổ tự Việt Nam. Hằng năm, lễ hội Bổ Đà tổ chức vào ngày 16, 17, 18 tháng 2 âm lịch thu hút rất đông du khách gần xa tham dự.

Nét riêng ở chùa Bổ Đà.

Những ván kinh Phật khắc trên gỗ thị trong số gần 2.000 mộc bản khắc kinh Phật cổ đang được lưu giữ tại Khu di tích chùa Bổ Đà - Di tích Quốc gia đặc biệt. Trải qua gần ba thế kỷ, kho mộc bản kinh Phật này vẫn còn khá nguyên vẹn cả về số lượng và hình thức.

Vườn tháp chùa Bổ Đà được đánh giá là đẹp và lớn nhất Việt Nam. Vườn tháp xây dựng theo những quy định riêng và chặt chẽ của thiền môn. Với gần 100 ngôi tháp được xếp hàng hàng, lớp lớp nơi tàng lưu xá lị, tro cốt của các vị tăng ni.

 

Khu di tích suối Mỡ

Trong hành trình văn hóa, du lịch tỉnh Bắc Giang, du khách có thể thăm quan Khu du lịch suối Mỡ thuộc xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, trong khung cảnh thiên nhiên yên bình, bên những con đường uốn lượn men theo dòng suối, những mái nhà ẩn hiện trong tán cây, núi non hùng vĩ. Nếu không thích thong dong trên con đường mòn, bạn có thể khám phá lối đi khác được tạo bởi nhiều vách đá. Du khách có thể nghỉ chân tại những ngôi nhà nhỏ, giải khát với nước vối, thưởng thức những đặc sản địa phương như mít, vải, đu đủ... vừa ngắm nhìn cảnh vật từ trên cao, hay chiêm bái những ngôi đền, chùa tĩnh tại trên núi. Nổi bật nhất là đền suối Mỡ, bao gồm đền Hạ, Trung, Thượng, nằm dọc theo con suối, những điểm du lịch tâm linh gắn với huyền tích về Thượng Ngàn Thánh Mẫu (công chúa Quế Mỵ Nương đời vua Hùng thứ16). Tương truyền bà là người đã có công mở thác Vực Mỡ đưa nước về cho dân khai hoang trồng trọt, lập làng xóm.

 

Khu du lịch sinh thái suối Mỡ, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam (Bắc Giang).

Một góc suối Mỡ.


Phong cảnh suối Mỡ có sự thay đổi khác nhau mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách, đặc biệt nhất là 5 ngọn thác luôn đổ nước trắng xóa.

 

Đặc sản vải thiều Lục Ngạn, na dai Lục Nam

Trong các sản vật nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang không thể không nhắc tới đặc sản vải thiều vùng Lục Ngạn, hay na dai Lục Nam. Sự hòa hợp giữa đất đai, thổ nhưỡng, cây trồng và sức sáng tạo con người đã tạo ra loại quả ngọt thơm lành ở Bắc Giang.

 

Du khách tham quan vùng chuyên canh na dai huyện Lục Nam.

Theo phòng Nông nghiệp và PTNT, toàn huyện Lục Nam trồng khoảng 1.700 ha na, sản lượng na toàn huyện ước đạt 17.000 tấn, doanh thu trên 400 tỷ đồng/năm. Không chỉ giúp giúp xoá đói, giảm nghèo hiệu quả vùng chuyên canh na còn là điểm tham quan du lịch, tìm hiểu về mô hình kinh tế xanh hiệu quả ở tỉnh Bắc Giang.

Những trái na dai ở Lục Nam chờ ngày thu hoạch.

Cùng các di sản, di tích trên, Bắc Giang còn lưu giữ nhiều địa danh lịch sử, văn hóa tâm linh lớn khác như: Di tích quốc gia đặc biệt cuộc khởi nghĩa Yên Thế, đền Kiếp Bạc, rừng cấm nguyên sinh Khe Rỗ, di tích thành Xương Giang, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, các hồ nước lớn có phong cảnh kỳ vĩ, rất thuận lợi để phát triển tiềm năng du lịch như hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần. Bắc Giang còn là tỉnh vừa có truyền thống lễ hội văn hoá đất Kinh Bắc, vừa có hội xuân của các dân tộc ít người.

Những năm gần đây, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang đã triển khai nhiều chương trình giới thiệu, quảng bá các danh thắng, di tích hấp dẫn, được du khách trong, ngoài nước biết đến và bình chọn. Trong tương lai, tỉnh Bắc Giang sẽ triển khai mở rộng khai thác tuyến du lịch mới như du lịch chuyên đề (tâm linh, lịch sử, sinh thái, làng nghề); du lịch đường thủy trên sông Thương, sông Cầu và sông Lục Nam. Đồng thời tập trung phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm du lịch trên địa bản tỉnh đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Dự án khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử đã hoàn thành giai đoạn 1.

Chùa Hạ thuộc Dự án khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử đã hoàn thành giai đoạn 1.

Hạng mục cáp treo thuộc Dự án khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử đang được hoàn thiện. Với tiềm năng và thế mạnh hiện có, cùng sự nỗ lực của các cấp, ngành tỉnh Bắc Giang trong việc đẩy mạnh các chương trình phát triển du lịch, lịch sử, văn hóa, tin rằng vùng đất giàu tiềm năng này sẽ là điểm đến thân thiện và hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước/.

 

 

 Thế Dương

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu