Được phát triển bởi Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông

Bắc Giang: Doanh nghiệp du lịch tích cực xây dựng sản phẩm du lịch, thu hút du khách, thích ứng an toàn, hiệu quả sau dịch bệnh Covid-19

28/10/2022 1125 0

            Thuộc vùng đất Kinh Bắc xưa, là một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long, nơi phên dậu của kinh đô ngàn năm văn hiến; nơi gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, với con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Đây được xem là những "mỏ vàng" của ngành "công nghiệp không khói", với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số Nghị quyết số 112-NQ/TU ngày15/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 26 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, 445 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, 12 khu, điểm du lịch.

          Tuy nhiên, hơn 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến các mặt đời sống, xã hội. Trong đó, ngành du lịch tỉnh bị đình trệ trong một thời gian dài, thiệt hại rất lớn. Năm 2019, tỉnh đón được khoảng 2.025.500 lượt khách du lịch, doanh thu ước đạt 760 tỷ đồng, nhưng đến năm 2021-2022, toàn tỉnh chỉ đón được khoảng 1.388.000 lượt khách du lịch, doanh thu hơn 694 tỷ đồng. Do vậy, việc xây dựng kế hoạch và đưa ra những giải pháp khôi phục ngành du lịch trong bối cảnh chuyển trạng thái phòng, chống dịch sang giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ là hết sức cần thiết.

          Theo ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, trong năm 2022, việc phục hồi ngành du lịch trên cơ sở "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" theo hướng lấy du lịch nội địa làm trọng tâm khai thác, đổi mới sản phẩm hiện hữu, kết hợp phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch, dịch vụ phục vụ mới hấp dẫn du khách. Đồng thời, từng bước mở cửa, tiến tới phục hồi du lịch quốc tế trong bối cảnh bình thường mới. Phấn đấu trong năm 2022, tỉnh Bắc Giang đón trên 1.000.000 lượt khách du lịch, tăng gấp đôi so với năm 2021. Tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trên lĩnh vực hoạt động du lịch bị ảnh hưởng, thiệt hại do dịch Covid-19; đẩy mạnh công tác truyền thông Bắc Giang là điểm đến an toàn gắn với đảm bảo biện pháp thích ứng, phòng, chống dịch. Song song đó, tỉnh cũng khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch tích cực quan tâm đầu tư, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, mang tính đặc trưng văn hóa, miền đất, con người Bắc Giang; chú trọng khai thác những tuyến du lịch nội tỉnh. Tiêu biểu là trong số các doanh nghiệp tạo ra, khai thác sản phẩm du lịch mới của tỉnh là Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch và Khách sạn Tín Phát, Công ty Cổ phần dịch vụ Tây Yên Tử.

Ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng hoa chúc mừng Khai trương Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch và Khách sạn Tín Phát

          Cũng trong những tháng cuối năm 2022 này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực hỗ trợ Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng phát triển Tín Phát Việt Nam khai trương Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch và Khách sạn Tín Phát. Tại sự kiện, Ông Thân Hải Đăng, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, trong thời gian tới, Công ty tập trung tạo hệ sinh thái du lịch phục vụ du khách và Nhân dân trong tỉnh như: Xây dựng thêm 01 khách sạn 4 sao, với hơn 150 buồng phòng, bên cạnh khách sạn 2 sao Công ty đang khai thác; trang bị 10 xe du lịch loại 54 chỗ ngồi đời mới, chất lượng cao, đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; đưa vào hoạt động hệ thống bệnh viện, phòng khám đa khoa hướng tới khai thác sản phẩm du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe; tập trung khai thác các tour, tuyến sẵn có của tỉnh Bắc Giang, dựa trên 4 sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh gồm: Du lịch văn hóa - tâm linh, Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, Du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf) và Du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn và các di sản văn hóa được UNESCO công nhận.

Đại diện lãnh đạo Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch tỉnh chúc mừng Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch và Khách sạn Tín Phát

          Tỉnh cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp hoạt động du lịch phải năng động, nhạy bén hơn nữa, khắc phục khó khăn dịch bệnh và tận dụng cơ hội đổi mới nội dung, phương pháp, sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Doanh nghiệp du lịch cũng phải tái cơ cấu lại hoạt động của mình trên cơ sở phát huy thành quả đạt được và khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết vừa qua, tích cực nghiên cứu xây dựng và đưa thêm những sản phẩm, dịch vụ du lịch mới vào phục vụ; đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, nhân viên, nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời, các khu, điểm du lịch phải tranh thủ thời cơ để tập trung đầu tư, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, cảnh quan, môi trường phục vụ khách du lịch nhằm phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch.

Nhân lực du lịch đã sẵn sàng phục hồi lại ngành du lịch của tỉnh sau đại dịch Covid-19

          Bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch, vào đầu Xuân Quý Mão 2023, tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức Khai mạc Lễ hội Xuân và Tuần Văn hóa - Du lịch. Dự kiến sẽ có 16 hoạt động chính được tổ chức tại thành phố Bắc Giang và Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, 11 hoạt động hưởng ứng khác được diễn ra trên 10 huyện, thành phố. Sự kiện này, được xem là một trong những giải pháp quan trọng, hiệu quả nhằm sớm phục hồi và phát triển ngành Du lịch của tỉnh Bắc Giang trong năm 2023 và những năm tiếp theo./.

Theo dulichbacgiang.gov.vn

Related Post

Sample Plan