Được phát triển bởi Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông

Đường về non thiêng Yên Tử - Hành trình theo dấu Phật Hoàng

29/07/2022 1459 0

Tây Yên Tử Bắc Giang gắn liền với thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (thế kỷ XIII) - dòng thiền Việt Nam do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Việc lập ra phái Trúc Lâm, Trần Nhân Tông đã thống nhất các dòng thiền: Thảo Điền, Vô Ngôn Thông, Tì-ni-đa-lưu-chi và toàn bộ giáo hội Phật giáo đời Trần về một mối, mở ra thời thịnh trị của phật giáo Việt Nam. Phật giáo phát triển, đất nước hưng thịnh, nhân dân no ấm hạnh phúc, quốc gia giữ vững chủ quyền. Tư tưởng này không chỉ đúng ở thời Trần mà nó còn xuyên suốt mọi thời đại của lịch sử Việt Nam.

         Khu du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử. Ảnh Trần Tuấn

 Hành hương về non thiêng Yên Tử, tour du lịch rất mới của Bắc Giang, được Liên minh du lịch – Hành trình tâm linh khai thác, chính thức được tái hiện vào 30 – 31/7/2022. Du khách sẽ được trải nghiệm: Một ngày làm thiền sư Trúc Lâm; Hành trình theo dấu chân Phật Hoàng, được nghe triết lý về dòng thiền thuần Việt – Trúc Lâm. “Cư trần lạc đạo” – một triết lý nhân sinh của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, giản dị mà sâu sắc. Trần Nhân Tông là vị vua từ bỏ ngôi vua để đi tu và đắc đạo, được tôn vinh là Phật Hoàng. Các vị đệ nhị tổ Pháp Loa, tam tổ Huyền Quang đã nối tiếp mở rộng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trải dài từ đông sang tây núi Yên Tử, từ Uông Bí, Đông Triều (Quảng Ninh) sang Sơn Động (Bắc Giang). Từ phía Bắc Giang, theo tỉnh lộ 293 (đường Tây Yên Tử), ngoài việc chiêm bái thắng tích tôn giáo nổi tiếng, du khách còn cảm nhận vẻ đẹp yên bình của vùng đất Bắc Giang. Núi Yên tử nằm trên cánh cung Đông Triều ôm gọn vùng Đông Bắc Việt Nam, sườn đông chủ yếu thuộc tỉnh Quảng Ninh, sườn tây thuộc các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Dũng tỉnh Bắc Giang. Hiện tại khu vực Tây Yên Tử còn lưu lại nhiều di tích, công trình lịch sử-văn hóa liên quan đến tôn giáo, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhất là vào thời Lý-Trần trải dài từ Sơn Động, dọc theo sông Lục Nam, kéo dài tới Yên Dũng. Qua khảo sát, các nhà nghiên cứu đã thống kê được 130 di tích lớn nhỏ nằm trong khu vực Tây Yên Tử. Tỉnh Bắc Giang đã lập hồ sơ đề nghị và công nhận 26 điểm di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia. Với hệ thống các chùa tháp, di tích lịch sử-văn hóa và sự kỳ vĩ của núi rừng trùng điệp, thảm thực vật và nhiều loài động vật phong phú đã tạo nên một Yên Tử đầy tiềm năng. Cùng với Đông Yên Tử của Quảng Ninh, Tây Yên Tử Bắc Giang được phối hợp, kết nối thành quần thể danh thắng Yên Tử thống nhất, tạo điều kiện cho phát triển du lịch, phát huy các di sản văn hóa mà cha ông ta để lại.

         

  Chùa Vĩnh Nghiêm nhìn từ trên cao. Ảnh: Trần Tuấn

Nếu núi Yên Tử là nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu hành, nơi lưu giũ xã lị của Ngài sau khi viên tịch, thì Tây Yên Tử là con đường hoằng dương Phật pháp của Ngài. Phía sườn Tây Yên Tử còn ghi dấu hàng loạt các di tích minh chứng giai đoạn hưng thịnh của thiền phái Trúc Lâm như: Chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Bấc, Bình Long, Suối Mỡ...Tuy nhiên nhiều di tích chỉ còn là phế tích do thời gian và chiến tranh.

          Với chủ trương xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, tỉnh Bắc Giang đã xác định việc tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các giá trị di tích là bước quan trọng hàng đầu. Những năm qua, một số di tích của tỉnh Bắc Giang như: chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Suối Mỡ đã từng bước được quan tâm đầu tư, tôn tạo từ nguồn ngân sách tỉnh, chương trình mục tiêu quốc gia và từ nguồn xã hội hóa.

Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ. Ảnh: Nguyễn Hảo

           Năm 2014, tỉnh Bắc Giang và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khởi công Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử. Dự án có tổng diện tích 13,8 ha được chia làm 4 cụm chùa độc lập gồm: Chùa Trình, chùa Hạ (chùa Phật Quang) và chùa Trung, chùa Thượng (chùa Kim Quy). Các điểm chùa có cao độ từ 145m đến điểm cao nhất gần 1000m, kết nối với tương Phật Hoàng Trần Nhân Tông và chùa Đồng trên đỉnh Tây Yên Tử.

         Thiền viện Trúc lâm Phượng hoàng, Yên Dũng, Bắc Giang

 Hệ thống cáp treo Tây Yên Tử đã được hoàn thiện và đi vào hoạt động từ năm 2019. Tổng đầu tư của dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh Tây Yên Tử  là 1500 tỷ đồng. Với những di sản sẵn có, lượng khách hành hương đông đảo, các điểm kết nối dày đặc của quần thể danh thắng Yên Tử, xứng đáng trở thành di sản thế giới. Hành trình “Theo dấu chân Phật Hoàng” gồm các điểm đến: Chùa Vĩnh Nghiêm – Thiền viện Trúc Lâm – Phượng Hoàng – đỉnh non thiêng phía Tây Yên Tử. Đi để trải nghiệm, để thấy yêu thêm quê hương, đất nước mình.

                                                                                                       Lê Đức Cương

 

Related Post

Sample Plan