Được phát triển bởi Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông

Du lịch cần giải pháp đột phá, mạnh dạn thí điểm

16/09/2022 740 0

Tại Diễn đàn du lịch cấp cao “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững”, sáng 8-9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, để du lịch lấy lại quãng thời gian đã mất trong 2 năm dịch bệnh, nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì cần có những giải pháp đột phá, mạnh dạn thí điểm các mô hình, cơ chế mới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phải thực hiện nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa các khâu, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, nhằm lấy lại quãng thời gian 2 năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng đánh giá cao việc tổ chức diễn đàn, sự kiện du lịch quốc tế lớn đầu tiên của Việt Nam sau khi mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch.

"Chúng ta đã vượt qua những thời khắc khó khăn nhất của đại dịch Covid-19", Phó Thủ tướng chia sẻ và gửi lời cảm ơn đến các lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân cả nước, bạn bè quốc tế đã có nhiều nghĩa cử cao đẹp trong những thời khắc khó khăn do dịch bệnh.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trước đại dịch, du lịch thế giới đã tăng trưởng liên tục 10 năm, đóng góp 10,4% GDP toàn cầu. Ở Việt Nam, năm 2019, du lịch tăng trưởng 16,5%, đóng góp 9,2% GDP, với nhiều giải thưởng, danh hiệu quốc tế, ngày càng hấp dẫn hơn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự khai mạc Hội chợ Du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh năm 2022. Ảnh: VGP/Đình Nam

Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch bị thiệt hại rất nặng nề, ước tính khoảng 2.000 tỷ USD, 62 triệu việc làm bị mất. Khách quốc tế giảm 70%, khách trong nước giảm hơn 50%.

Đến nay, du lịch thế giới đã từng bước phục hồi, có thêm 18 triệu việc làm, đóng góp khoảng 6,1% GDP toàn cầu.

Với việc tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh, một số nghiên cứu dự đoán đến hết năm 2023 du lịch thế giới mới đạt mức tăng trưởng như trước đại dịch.

Đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết, sau khi Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 được ban hành, tháng 10-2021, cùng với việc nhanh chóng tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19, du lịch Việt Nam đã từng bước phục hồi, tiến tới mở cửa hoàn toàn vào ngày 15-3, so với mục tiêu đặt ra trước đó là ngày 30-4.

Du lịch trong nước đã có bước khởi sắc rất tốt. Du lịch quốc tế đang từng bước phục hồi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ VH-TT&DL phải chủ trì, phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch để nghiên cứu, đề xuất tháo gỡ rất cụ thể những khó khăn, vướng mắc. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành du lịch, đã tranh thủ trong thời gian dịch bệnh để nỗ lực đổi mới sản phẩm, sửa sang cơ sở vật chất, nỗ lực vượt qua những khó khăn để giữ được nguồn nhân lực du lịch.

Đây là cơ sở để du lịch Việt Nam tự tin thực hiện những giải pháp mở rộng, phát triển hơn nữa du lịch trong bối cảnh mới một cách an toàn, linh hoạt, mạnh mẽ.

Nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nhanh hơn các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, trong đó có lĩnh vực du lịch, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp cần có hỗ trợ cần thiết cho các lao động trong ngành du lịch quay trở lại; trợ giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ cá thể kinh doanh dịch vụ du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn.

"Qua đại dịch, Bộ VH-TT&DL phải rà soát lại toàn bộ các cơ chế, chính sách để phát triển du lịch bền vững thực sự", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm gian hàng triển lãm của du lịch thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP/Đình Nam

Chia sẻ thêm một số vấn đề với các đại biểu, Phó Thủ tướng nêu "bài toán" thiếu nhân lực du lịch dù chúng ta luôn khuyến khích phát triển các trường nghề, phát triển du lịch.

"Phải huy động được các doanh nghiệp, trước hết là doanh nghiệp du lịch, tham gia đào tạo. Bộ VH-TT&DL cần phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội, đề xuất cơ chế, báo cáo cấp thẩm quyền cho phép thí điểm những mô hình đào tạo mới", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Thứ hai là phát triển du lịch xanh tối đa để bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn. Trước hết là những sản phẩm, dịch vụ trong khu lưu trú bớt dùng đồ nhựa, đồ nilon, sau đó lan tỏa ra các khu dân cư xung quanh.

Thứ ba là đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số. Không chỉ việc giúp du khách tìm hiểu các sản phẩm, điểm đến, thanh toán các dịch vụ du lịch qua điện thoại thông minh, mà còn là số hóa các sản phẩm du lịch, các bảo tàng, di tích, điểm đến để du khách tìm hiểu thuận lợi trước khi đến.

 

Thứ tư là tăng cường kết nối hơn nữa giữa các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương, các quốc gia trong khu vực trên tinh thần cùng có lợi, không chỉ để phát triển du lịch, mà còn để cuộc sống của người dân thêm phong phú, nhiều trải nghiệm hơn.

Nhấn mạnh yêu cầu phải có các giải pháp mang tính đột phá để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ VH-TT&DL phải chủ trì, phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch để nghiên cứu, đề xuất tháo gỡ rất cụ thể những khó khăn, vướng mắc, "chứ không chỉ kêu".

"Trong lúc chưa sửa được luật thì xin làm thí điểm, chưa làm được toàn quốc thì làm ở những vùng có thế mạnh, vùng trọng điểm về du lịch. Có rất nhiều việc không chỉ ngành du lịch làm được (giá điện, thuế, đất đai, cấp thị thực nhập cảnh…) nên rất cần sự chung tay của các bộ, ngành", Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, tất cả các khâu trong phát triển du lịch (xúc tiến, xây dựng cơ sở hạ tầng, sản phẩm, nhân lực, xây dựng môi trường văn hoá, khắc phục các nỗi sợ của du khách…) phải được thực hiện nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa nhằm lấy lại quãng thời gian 2 năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường phối hợp với nhau, có những giải pháp rất mạnh mẽ, giải quyết dứt điểm, triệt để từng vấn đề, vướng mắc gặp phải, thúc đẩy du lịch, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn sau đại dịch.

Theo HNM

Related Post

Sample Plan