20/03/2025 30/06/2025
150 0
Từ những nét văn hóa đặc hữu
Núi rừng Yên Tử nằm trên cánh cung Đông Triều, như ôm lấy vùng Đông Bắc Việt Nam; trong đó, sườn Đông chủ yếu thuộc tỉnh Quảng Ninh, sườn Tây thuộc tỉnh Bắc Giang. Đây là nơi được thiên nhiên ban tặng những cảnh sắc tuyệt đẹp, kỳ thú, là nơi hội tụ nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc. Đến nay, dọc sườn Tây Yên Tử còn hiện hữu nhiều di tích, công trình lịch sử - văn hóa liên quan đến sự hình thành và hưng thịnh của Phật giáo Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Miền di sản đó trải dài từ huyện Sơn Động, dọc theo dòng sông Lục Nam xuống đến huyện Yên Dũng (nay là thành phố Bắc Giang), với hệ thống các chùa, tháp, di tích lịch sử được hòa quện cùng sự kỳ vĩ của một rải núi non trùng điệp, thảm thực vật và nhiều loài động vật phong phú.
Liên hoan hát Văn - hát Chầu văn tỉnh Bắc Giang tổ chức tại Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ
Thông qua các cứ liệu khoa học lịch sử, các cơ quan chuyên môn đã làm sáng tỏ về hệ thống di tích chùa tháp được phân bổ dọc theo dải núi Huyền Đinh – Yên Tử, khẳng định những giá trị văn hóa vật chất phong phú, đóng góp vào nhận thức chung đối với sự tồn tại và phát triển rực rỡ của Phật giáo Trúc Lâm bên sườn Tây Yên Tử. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, hiện có khoảng 11 di tích, dấu tích chùa tháp thuộc Phật giáo Trúc Lâm, phân bổ dọc theo đỉnh và sườn của dải núi Huyền Đinh – Yên Tử, tiêu biểu như: Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Hòn Tháp, chùa Mã Yên, chùa Bình Long, chùa Hồ Bấc, chùa Đám Trì,… Bên cạnh đó, căn cứ vào các di tích, di vật mới được phát hiện gần đây cho thấy, không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm không chỉ giới hạn trên dải núi Huyền Đinh – Yên Tử, mà còn kéo sang đến huyện Yên Thế, Lạng Giang thuộc tỉnh Bắc Giang. Có thể khẳng định, không gian văn hóa đó chứa đựng những giá trị đặc sắc, với tiềm năng lớn, ngày càng thu hút đông đảo du khách thập phương lựa chọn là điểm đến hấp dẫn.
Trong số các di tích thuộc Phật giáo Trúc Lâm tại Bắc Giang, chùa Vĩnh Nghiêm giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Đây là ngôi cổ tự được Phật hoàng Trần Nhân Tông chọn là trụ sở Trung ương giáo hội Trúc Lâm, chứa đủ hồ sơ của tăng, ni cả nước. Về sau này, cả 3 vị sư Tổ của Phật giáo Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang đều chọn chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) là trung tâm tu học, hoằng pháp, hộ trì các công việc triều chính. Đặc biệt, các sinh hoạt Tăng sự như: An cư kiết hạ, giáo dục Phật pháp luôn được diễn ra tại đây, thu hút nhiều Phật tử và các trí thức tìm về gieo duyên. Tiếp nối mạnh nguồn ấy, nhất Tổ Trần Nhân Tông đã giao cho đệ nhị Tổ Pháp Loa trụ trì, để phát triển chùa Vĩnh Nghiêm thành trung tâm Phật giáo, cho san khắc mộc bản kinh Phật để lưu truyền Phật pháp. Tiếp đến, Pháp Loa tiếp tục giao cho đệ tam Tổ Huyền Quang trụ trì, tiếp nối việc san khắc mộc bản và thực hiện các Phật sự. Những dấu ấn lịch sử đó, cho thấy chùa Vĩnh Nghiêm có vị trí rất quan trọng đối với lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo Trúc Lâm và lịch sử đất nước.
Rước Bài vị Tam Tổ Trúc Lâm lên chùa Hạ, Tây Yên Tử
Hiện nay, với hệ thống giao thông được mở mang thuận lợi, chùa Vĩnh Nghiêm và hệ thống chùa tháp nằm bên sườn Tây Yên Tử lại được tăng lên mối liên hệ mật thiết trong việc phát huy các giá trị của Phật giáo Trúc Lâm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Có thể thấy, cùng với sườn Tây Yên Tử, vùng núi Nham Biền, huyện Yên Dũng (nay là TP Bắc Giang), đã ghi dấu sự hưng thịnh của Phật giáo thời Lý – Trần. Trong đó, có các ngôi chùa cổ như: Chùa Hang Chàm, chùa Nguyệt Nham, chùa Liễu Đê, chùa Kem … lưu dấu ấn Tam giáo đồng nguyên, dung hợp với văn hóa tín ngưỡng dân gian. Cùng đó, là đình và đền thờ Thái sư Trần Thủ Độ, thể hiện tinh thần Phật giáo luôn hòa vào văn hóa và đời sống người Việt với tinh thần “An dân hộ quốc”…
Đến hình thành bức tranh văn hóa đa sắc
Cùng với hệ thống di tích chùa - tháp, gắn cùng sự hình thành và hưng thịnh của Phật giáo Trúc Lâm, bên sườn Tây Yên Tử còn lưu truyền nhiều nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc khác được gắn cùng các đền, miếu, phủ, tiêu biểu là Tín ngưỡng thờ Mẫu. Nếu như điểm Thực hành Tín ngưỡng Phật giáo được diễn ra tại các ngôi chùa; thì không gian Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu được thực hiện chủ yếu ở các đền, phủ. Trên hành trình trẩy hội Xuân Tây Yên Tử, cùng với chiêm bái Phật tại các địa điểm chùa, du khách còn được hòa mình vào không gian của Tín ngưỡng thờ Mẫu, mà trung tâm là hệ thống đền tại Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, huyện Lục Nam. Tại đây, có 3 ngôi đền (đền Hạ, đền Trung và đền Thượng) đều thờ chung một vị nữ thần là Thánh Mẫu Thượng ngàn (Công chúa Quế Mỵ Nương). Theo sử liệu, từ những năm trước thế kỷ XX, đền Suối Mỡ đã là trung tâm lớn về Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Ngày nay, tại đền Suối Mỡ, Thực hành Tín ngưỡng thờ mẫu vẫn được duy trì và được coi là hoạt động lưu giữ bản sắc văn hóa, lịch sử của người Việt với sự kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc, lời ca, điệu múa …, chủ yếu thông qua hoạt động hát chầu văn. Theo đó, nghệ thuật hát chầu văn là hình thức biểu diễn nghệ thuật độc đáo, cuốn hút đông đảo người xem. Thông qua âm nhạc, lời ca, vũ đạo để phản ánh về lai lịch, ca ngợi công lao của các vị thánh, thần. Hoạt động tín ngưỡng này có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hóa tâm linh con người trong suốt chiều dài lịch sử và còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Bên cạnh không gian văn hóa vật thể là hệ thống các đình, đền, chùa, am, miếu với Tín ngưỡng Phật giáo, Tín ngưỡng thờ Mẫu, …; trên vùng Tây Yên Tử còn sở hữu cả một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như các lễ hội truyền thống, các nghi lễ truyền thống và các làn điệu dân ca của đồng bào các dân tộc thiểu số. Vẫn trên hành trình trẩy hội Xuân Tây Yên Tử, du khách có thể ghé thăm các bản, làng của người Dao sống tụ cư ngay dưới chân núi Yên Tử để được hòa mình, tìm hiểu về những nét văn hóa đặc sắc của người Dao như: Tham gia vào nghi lễ Cấp sắc, nghi lễ thờ cúng Bàn Vương (thủy tổ của người Dao), nghe dân ca Dao, hoặc trải nghiệm với các nghề truyền thống của người Dao như: Hái lượm thuốc; thêu trang phục, đồ dùng…
Từ những bản, làng người Dao, chếch sang vùng đất của huyện Lục Ngạn, không chỉ nổi tiếng là vùng đất 4 mùa ngát hương hoa trái, mà còn là nơi toát lên nét riêng độc đáo với Hội hát Sloong hao và phiên chợ Xuân vùng cao Tân Sơn. Đây là phiên chợ mà người dân quen gọi là “Chợ tình Tân Sơn” là nguồn gốc của tên gọi “chợ tình Thác Lười - Tân Sơn” được lưu truyền đến ngày nay. Với nét đẹp rất riêng, “chợ tình Thác Lười - Tân Sơn" thu hút ngày càng đông nhân dân các dân tộc, bạn bè, du khách từ nhiều địa phương về tham quan, giao lưu. Đến với Hội hát Sloong hao và Phiên chợ xuân vùng cao Lục Ngạn, du khách có cơ hội được thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc trưng như: Xôi ba màu, các loại bánh lá, thịt lợn quay, gà đồi, thịt chua… Đồng thời được trải nghiệm không gian văn hóa hết sức độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây với những làn điệu dân ca như được ngân vang khắp núi rừng, kéo dài hết cả mùa Xuân.
Hành trình trẩy hội Xuân Tây Yên Tử đang rộn ràng giữa nhịp Xuân sang, như đang khắc họa nên một bức tranh đa sắc màu lung linh, huyền ảo giữa dải núi non linh thiêng, huyền tích.
Phí Trường Giang